PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VỢ NHẶT (KIM LÂN) – Dàn ý, sơ đồ tư duy, bài văn mẫu

4175
Phân tích vợ nhặt
Phân tích vợ nhặt
5/5 - (1 bình chọn)

Tham khảo thêm: Phân tích bài Vợ nhặt của kim lân

Viết về nạn đói năm 1945 nhưng tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân không hướng tới mục đích phơi bày thực trạng thê thảm của con người, mà từ cái hiện thực đen tối ấy để làm sáng lên vẻ đẹp của tình người. Bài phaân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân dưới đây sẽ giúp các bạn tìm hiểu về vẻ đẹp của tình người ấy qua những nhân vật trong truyện là anh Tràng, bà cụ Tứ và người vợ nhặt.

Dàn ý vợ nhặt chi tiết

1. Nội dung có trong phần mở bài vợ nhặt

Giới thiệu vài nét về tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt.

  • Kim Lân là cây bút viết truyện ngắn chuyên nghiệp trong nền văn học Việt Nam, ông thường tập trung viết về cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân lao động.
  • Tác phẩm “Vợ nhặt” được rút từ tập “Con chó xấu xí”, là một truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân, nói lên tình trạng thê thảm của họ trong nạn đói năm 1945, đồng thời cũng ngợi ca bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ.

2. Nội dung trong phần thân bài vợ nhặt

2.1. Ý nghĩa nhan đề vợ nhặt (tác phẩm và tình huống truyện)

  • Ý nghĩa nhan đề: “Vợ nhặt”: tức là nhặt được vợ, thể hiện cái sự rẻ rúng, nghèo nàn của thân phận con người và qua đó phản ánh tình cảnh thê lương của con người trong nạn đói.
  • Tình huống truyện:
    • Tình huống: nhân vật Tràng là một người dân ngụ cư có ngoại hình xấu xí bỗng dưng lại có vợ mà lại là nhặt được, theo về không.
    • Đây là một tình huống vô cùng độc đáo và đầy bất ngờ: với chính bản thânTràng (với hoàn cảnh của Tràng nghèo khó, khó mà lấy được vợ của anh nhưng bỗng nhiên lại có vợ theo không về, tự ngờ ngờ mình đã có vợ ư), còn với những người xung quanh (họ thắc mắc bàn tán), với bà cụ Tứ.
    • Tình huống éo le: hoàn cảnh gia đình và xã hội nghèo đói, cùng cực không cho phép Tràng lấy vợ, cả hai vợ chồng đều là những người nghèo khổ, khó có thể trở thành chỗ dựa cho nhau.

2.2. Phân tích nhân vật tràng trong truyện ngắn vợ nhặt

  • Hoàn cảnh gia đình: anh là dân ngụ cư bị khinh bỉ, cha mất sớm còn lại mẹ già, nhà ở tồi tàn, cuộc sống thì bấp bênh …
  • Ngoại hình: xấu xí, thô kệch, được miêu tả “hai con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, thân hình thì to lớn vập vạp, ngờ nghệch lại rất vụng về…

2.2.1. Gặp gỡ và quyết định nhặt vợ về:

    • Lần gặp đầu: lời hò của Tràng chỉ là một lời nói đùa của người lao động chứ không hề có tình ý gì với cô gái đẩy xe cùng mình.
    • Lần gặp 2:
      • Khi bị cô gái mắng, anh chỉ cười toét miệng và mời cô ăn dù anh cũng không dư dả gì. Đó là hành động của một người nông dân hiền lành tốt bụng.
      • Khi người đàn bà ấy quyết định theo mình về: Tràng chợt nghĩ về việc đèo bòng thêm một miệng ăn, nhưng rồi lại tặc lưỡi “chậc, kệ”. Đây không phải là một quyết định của kẻ bồng bột mà là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh nghèo khó, khát khao có được hạnh phúc, thương yêu người cùng cảnh ngộ.
      • Đưa người đàn bà ấy lên chợ tỉnh mua đồ: nói lên sự nghiêm túc và sự chu đáo của Tràng trước quyết định lấy vợ.

2.2.2. Trên đường về nhà:

  • Vẻ mặt của anh “có cái gì phơn phởn khác thường”, “cảm thấy vênh vênh tự đắc, “tủm tỉm cười một mình” … Đó là tâm trạng của hạnh phúc, niềm hãnh diện.
  • Mua dầu về thắp để khi thị về nhà mình thì căn nhà sẽ trở lên sáng sủa hơn.

2.2.3. Khi đã về đến nhà:

  • Xăm xăm bước vào để dọn dẹp sơ qua, vội thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của phụ nữ. Hành động đầy sự ngượng nghịu nhưng lại rất chân thật, mộc mạc.
  • Khi bà cụ Tứ chưa về nhà, Tràng có cảm giác “sờ sợ” vì lo sợ rằng người vợ sẽ bỏ đi vì gia cảnh nhà mình quá khó khăn, sợ hạnh phúc sẽ bị tuột khỏi tay.
  • Sốt ruột mong chờ bà cụ Tứ về để thưa chuyện vì dù trong hoàn cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ. Đây là biểu hiện của một đứa con biết lễ nghĩa.
  • Khi bà cụ Tứ về: Tràng thưa chuyện một cách trịnh trọng và biện minh lí do lấy vợ của mình là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ đồng ý, vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng bỗng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi.

2.2.4. Sáng hôm sau khi ngủ dậy:

  • Tràng nhận thấy có sự thay đổi kì lạ trong ngôi nhà mình (sân vườn, ang nước, quần áo…), Tràng như nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình. Cũng cảm thấy bản thân mình như trưởng thành hơn.
  • Lúc ăn cơm trong suy nghĩ của Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói và lá cờ đang bay phấp phới. Đó chính là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời và con đường đi mới.

=> Nhận xét: Từ khi nhặt được vợ nhân vật Tràng đã có sự biến đổi theo một chiều hướng tốt đẹp. Qua sự biến đổi này, nhà văn đã ca ngợi vẻ đẹp của những con người trong cái nghèo, đói.

2.3. Phân tích nhân vật thị trong vợ nhặt

2.3.1. Lai lịch của thị:

  • Cô không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã khiến cho biết bao nhiêu con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình của mình.
  • Đến tên tuổi cũng không có và qua cái tên gọi “vợ nhặt”: thấy được sự rẻ rúng, nghèo nàn của con người trong cảnh đói.

2.3.2. Ngoại hình:

  • Quần áo thì tả tơi như tổ đỉa, người gầy sọp, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.
  • Lần thứ nhất: khi nghe câu hò vui đùa của Tràng, thị đã vui vẻ ra giúp đỡ, đây chính là sự hồn nhiên vô tư của những người lao động nghèo.
  • Lần thứ hai:
    • Thị đã sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ gì đó có giá trị hơn và khi được Tràng mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt thị sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
    • Khi nghe Tràng nói đùa rằng “đằng ấy có về với tớ thìlên xe rồi cùng về”, thị đã theo Tràng về thật bởi trong cái đói khổ, đó chính là cơ hội để thị bấu víu lấy sự sống.
    • Nhận xét: Cái đói khổ kia không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà còn cả nhân cách của con người. Nhưng người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với thị vì đó không phải là bản chất mà là do cái nghèo đói xô đẩy.

2.3.3. Phẩm chất của thị:

  • Có một khát vọng sống vô cùng mãnh liệt:
    • Quyết định đi theo Tràng về làm vợ dù rằng không biết gì về Tràng, chấp nhận theo không về mà không cần sính lễ vì thị sẽ không còn phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ nữa.
    • Khi đến nhà Tràng thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu” của Tràng, thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có được cơ hội sống.
  • Thị là một người phj nữ ý tứ và nết na:
    • Trên đường về nhà Tràng, thị cũng rón rén e thẹn đi sau, đầu hơi cúi xuống, ngại ngùng cho cái thân phận vợ nhặt của mình.
    • Khi vừa về đến nhà, Tràng đã đon đả mời ngồi, thị cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay cứ ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ của thị khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
    • Khi gặp mẹ chồng – bà cụ Tứ, ngoài câu chào thì thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự ngại ngùng, lúng túng ngượng nghịu.
    • Sáng hôm sau, thị đã dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” nữa mà hiền hậu, đúng mực.
    • Lúc ăn cháo cám, lúc mới nhìn “mắt thị tối lại”, nhưng cô vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang và ý tứ trước người mẹ chồng, để không làm bà buồn.
  • Nhận xét: Cái nghèo đói có thể cướp đi nhân phẩm trong một khoảnh khắc nào đó chứ không thể vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
  • Thị còn là một người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện đi phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên niềm hi vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.

2.4. Phân tích nhân vật bà cụ tứ trong vợ nhặt

  • Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ: dáng đi lọm khọm, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa húng hắng ho, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen của người già.
  • Bà ngạc nhiên trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch của mình, càng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ trong nhà.
  • Bà đã hiểu ra “biết bao nhiêu cơ sự”, “mắt bà nhoà đi”: thương cho đứa con trai phải lấy vợ nhặt, mà trong cảnh đói khát ấy mới có thể lấy được vợ, thương cho người đàn bà kia, khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà.
  • Bà đối xử rất tốt với nàng dâu mới: “Con ngồi xuống đây … cho đỡ mỏi chân”, nói về tương lai với niềm lạc quan và bảo ban các con làm ăn…
  • Nhận xét: bà cụ Tứ là một người mẹ hiền từ, nhân hậu, chất phác.

3. Kết bài vợ nhặt

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ nhặt và nêu lên cảm nhận

Sơ đồ tư duy Vợ nhặt chi tiết

1. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật tràng trong truyện ngắn vợ nhặt

phân tích nhân vật tràng trong truyện ngắn vợ nhặt
Phân tích nhân vật tràng trong truyện ngắn vợ nhặt

2. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật thị trong vợ nhặt

phân tích nhân vật thị trong vợ nhặt
Phân tích nhân vật thị trong vợ nhặt

3. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật bà cụ tứ trong vợ nhặt

phân tích nhân vật bà cụ tứ trong vợ nhặt
Phân tích nhân vật bà cụ tứ trong vợ nhặt

4. Tổng quan sơ đồ tư duy tác phẩm Vợ nhặt

sơ đồ tư duy vợ nhặt
Sơ đồ tư duy vợ nhặt

Top các bài văn mẫu phân tích tác phẩm Vợ nhặt hay nhất

 

Bài văn Phân tích tác phẩm vợ nhặt
Bài văn Phân tích tác phẩm vợ nhặt

Phân tích tác phẩm vợ nhặt

(Bài văn phân tích vợ nhặt – mẫu số 1)

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, ông sinh ra ở một vùng quê nghèo ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Là một người yêu thích văn chương và ông đã bắt đầu sáng tác từ năm 1941. Những sáng tác của ông tập trung viết về cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân Việt Nam. “Vợ Nhặt” là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Lân với cốt truyện vô cùng độc đáo cùng lời kể chuyện hóm hỉnh hấp dẫn người đọc.

“Vợ nhặt” kể về cuộc sống cơ cực đầy ngột ngạt, bức bối của nhân dân ta trong thời kỳ xảy ra nạn đói khủng khiếp năm 1945, chính nạn đói ấy đã làm chết hơn hai triệu người dân Việt Nam. Đấy chính là hậu quả của chính sách cai trị dã man của bọn thực dân Pháp trong mấy mươi năm và chủ trương tàn bạo, nhẫn tâm “nhổ lúa trồng đay” của phát xít Nhật. Cũng như các tác phẩm khác viết về nạn đói, ngòi bút của Kim Lân chứa chan nỗi niềm thương cảm trước những số phận đầy bất hạnh. Thông qua tác phẩm, tác giả đã lên án, tố cáo những tội ác dã man của thực dân Pháp, phát xít Nhật; đồng thời cũng thể hiện khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và niềm tin vào một tương lai tươi sáng của người dân lao động.

Tình huống truyện được tóm tắt như sau: Tràng là một người dân ngụ cư nghèo khổ, xấu xí, chỉ với vài câu hò, câu hát bông đùa và mấy bát bánh đúc mà anh nhặt được một cô vợ đang sống dỡ chết dở vì đói. Họ đã thành vợ thành chồng giữa cái cảnh khốn khổ cùng cực, cảnh tối sầm lại vì đói khát. Đêm tân hôn của họ diễn ra âm thầm trong cái bóng tối lạnh lẽo ảm đạm, điểm thêm là tiếng khóc tỉ tê của những nhà có người bị chết đói theo gió vẳng lại. Bữa cơm cưới của hai vợ chồng chỉ có rau chuối, cháo loãng và muối cùng với món chè nấu bằng cám. Câu chuyện trong bữa cơm của ba mẹ con này xoay sang chuyện Việt Minh tổ chức phá kho thóc của bọn Nhật chia cho dân nghèo. Trong đầu của Tràng hiện lên hình ảnh của đám người đói lả và lá cờ đỏ bay phấp phới.

Nhan đề “Vợ nhặt” đã thu hút được sự chú ý của người đọc ngay từ đầu. Vợ nhặt tức là đươc nhặt về, vợ theo không mà chẳng cần cưới xin gì. Tựa đề lạ lùng này của truyện đã phần nào nói lên cảnh ngộ cũng như số phận của nhân vật. Chuyện anh Tràng bỗng dưng lại nhặt được một cô vợ phản ánh tình cảnh thê thảm, rẻ rúng và thân phận đầy tủi nhục của những người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp xảy ra vào năm 1945.

Thành công trước tiên của tác phẩm là ở chỗ tác giả đã tạo lên một tình huống vô cùng độc đáo đó là: Một anh chàng ngụ cư có ngoại hình xấu xí, nghèo khổ, ế vợ, vậy mà lại nhặt được vợ chỉ bằng vài bát bánh đúc. Giá trị của con người lúc bấy giờ rẻ rúng đến thế là cùng! Tác giả đã diễn tả cái tình huống đặc biệt này qua vẻ ngạc nhiên của dân xóm ngụ cư khi thấy Tràng dẫn theo một người đàn bà lạ về nhà. Họ thấy ngạc nhiên là bởi trong cái thời buổi đói khát này, đến nuôi thân mình còn chẳng nổi nữa ấy vậy mà Tràng còn dám lấy vợ. Mẹ của Tràng – bà cụ Tứ cũng rất sửng sốt vì không ngờ đứa con trai của mình đã có vợ. Thậm chí là chính Tràng cũng chẳng hiểu tại sao mà anh lại có vợ dễ dàng đến thế.

Nguyên nhân sâu xa phải kể đến đó chính là do nạn đói khủng khiếp kia đã đẩy con người ta vào chỗ chết, nên người đàn bà ấy mới phải chấp nhận làm vợ của Tràng. Sự lên án tố cáo, phản ánh thực trạng lúc bấy giờ của tác phẩm tuy kín đáo nhưng lại rất sâu sắc. Tác giả đã không trực tiếp nói đến những tội ác của bọn đế quốc, phong kiến gây ra, vậy mà tội ác của bọn chúng cứ phơi bày ra trước mắt một cách đáng ghê tởm và tình cảnh cơ cực, đói khát của dân nghèo thật là thê thảm.

Tình huống lạ lùng trên chính là đầu mối cho sự phát triển của nội dung truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng cũng như hành động của các nhân vật trong tác phẩm. Bối cảnh lớn của truyện được lấy trong nạn đói năm 1945, bối cảnh nhỏ chính là cái xóm ngụ cư nghèo khổ, tồi tàn ven chợ. Mở đầu tác phẩm, Kim Lân đã vẽ lên  bức tranh hiện thực với một màu sắc ảm đạm và những hình ảnh vô cùng thê lương.

Cách đây không lâu, cứ mỗi buổi chiều khi Tràng đi làm về, đám trẻ con trong xóm lại bu theo anh đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi…”. Cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một lúc”. Nhưng bây giờ cái niềm vui nhỏ nhoi ấy cũng đã không còn nữa: trẻ con không đứa nào buồn ra đón Tràng nữa… Chúng nó ngồi ủ rũ dưới những xó đường, không buồn nhúc nhích…”. Nụ cười hềnh hệch dễ dãi mọi ngày của Tràng cũng đã tắt: “Trong bóng chiều nhá nhem, Tràng đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước. Hình như những lo lắng chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn… Đi đâu cũng thấy cái cảnh: “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.”

Một cảnh tượng khủng khiếp vô cùng! Bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra trên đất nước chúng ta một nạn đói chưa từng thấy từ trước đến nay, khiến cho hàng triệu người dân bị chết đói. Khắp nơi, đâu đâu cũng bị bao phủ bởi một màu u ám của địa ngục.

Tràng, nhân vật trung tâm của truyện là một thanh niên ngụ cư nghèo khổ, xấu xí, sớm đã mồ côi cha, sống hiu quạnh với mẹ già trong một túp lều nhỏ tồi tàn ở mé sông. Ngày xưa, những người sống kiếp ngụ cư mang nỗi tủi nhục trăm bề. Họ bị dân làng nơi đây khinh rẻ và phải làm những công việc hèn hạ nhất như đầy tớ, thằng mõ… Dân địa phương dù có nghèo đói đến mấy cũng không bao giờ chịu gả con gái của họ cho đám dân ngụ cư vì họ cho rằng như thế là vô phúc. Đã thế Tràng lại còn có ngoại hình xấu xí: “hai con mắt nhỏ tí …”, “…hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lí thú vừa dữ tợn”,cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trướccái lưng to rộng như lưng gấu”. Vì thế mà anh dù đã đứng tuổi rồi mà vẫn không sao lấy được vợ.

Tràng gặp người đàn bà ấy chỉ có hai lần, đó là vào những dịp anh chở thóc lên tỉnh. Lần thứ nhất, khi hai bên chỉ bông đùa bỡn cợt dông dài vài câu rồi thôi. Lần sau khi gặp lại, Tràng không nhận ra vì chị ta đã thay đổi nhiều quá. Phải nhắc mãi anh mới nhớ ra chị rồi toét miệng cười xin lỗi và mời chị ăn trầu. Nhưng chị ta lại sỗ sàng, cong cớn gợi ý: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Thế là anh vui vẻ đãi chị một bữa bánh đúc no nê ( đây là một thứ quà của người nghèo). Thấy chị cứ mải cắm cúi ăn như chưa từng được ăn, Tràng thấy động lòng thương, liền nói với chị: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Câu nói ấy của Tràng chỉ nửa đùa nửa thật. Đùa ở chỗ là anh chỉ bỡn cợt cho vui, nhưng thật ở chỗ trong thâm tâm của anh, anh cũng đang muốn có vợ. Khốn nỗi một điều là anh nghèo quá nên không ai chịu lấy. Trong cái thời ấy, đứng tuổi như Tràng mà chưa có vợ là điều không bình thường, đó là sự bất hạnh. Câu nói của anh vừa hóm hỉnh, tếu táo lại vừa đượm vẻ chua chát: “Làm đếch gì có vợ…”.

Từ lâu, anh đã luôn ao ước có được một người vợ, nhưng ít ra cũng phải là một người bình thường, khỏe mạnh chứ không phải là loại chết đói chết khát giữa đường, loại dở người dở ma kia?

Tràng nói đùa nhưng thật không ngờ chị ta lại theo về thật khiến cho anh chợn, nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nghĩ rồi lại thêm lo, nhưng rồi anh tặc lưỡi: “Chậc, kệ! Có lẽ anh đã nghĩ mình đang còn mạnh chân khỏe tay, anh cũng có công ăn việc làm, nên dẫu có đèo bòng thì chắc cũng chưa đến nỗi phải chết đói ngay đâu mà sợ. Vả lại, anh cũng đâu có nỡ lòng nào bỏ người đàn bà kia bị chết đói?

Lúc này, chẳng còn là một chuyện đùa bỡn nữa. Không chỉ đơn giản là cứu một mạng người nữa mà anh còn may mắn tự nhiên có được một người vợ nên anh Tràng phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn. Anh đã đưa chị ta vào chợ tỉnh, đãi thêm một bữa ăn thật no nê, sắm cho một cái thúng con để đựng mấy thứ lặt vặt rồi dẫn chị về nhà. Giờ đây,dường như trong lòng Tràng không chỉ có mỗi tình thương mà còn có cả niềm vui sướng, háo hức.

Mấy lần Tràng cũng định mở lời để nói với thị một vài câu tình tứ cho tình cảm nhưng lại chẳng biết nói thế nào. Cái phút ban đầu ấy bao giờ chả thế. Đùa thì dễ, nửa đùa nửa thật đã khó rồi, giờ lại là thật thì khó biết mấy! Tràng lúng túng cũng dễ hiểu thôi.

Tuy vậy, từ sâu thẳm trong anh, niềm vui bất ngờ ấy nó cứ dâng lên mãi: “Trong một lúc, Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy… Đúng thật là thế. Đó là niềm vui to lớn nhất trong đời anh: anh nay đã có vợ thật rồi. Tình cảm của anh đối với người đàn bà xa lạ kia, nay đã là vợ anh không chỉ là lòng thương hại, cưu mang mà đó còn là lòng biết ơn vì chị ta đã chịu lấy anh, chịu làm vợ của anh mà không có một yêu cầu hay đòi hỏi gì. Nhờ thế mà anh mới có được vợ và cuộc đời của anh cũng đã khác hẳn. Từ nay, anh không còn phải sống trong cái cảnh thui thủi một mình một bóng nữa.

Tràng dẫn thị về nhà lúc trời đã nhập nhoạng tối. Họ đi vào cái ngã tư xóm chợ nghèo mang vẻ xác xơ, heo hút. “Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết…

Bức tranh hiện lên như ngập tràn tử khí.  Cảnh ảm đạm, người cũng ảm đạm, nhà cửa thì xác xơ, heo hút, tối om… chẳng khác gì những nấm mồ hoang lạnh đến đáng sợ. Sự sống nơi đây như chỉ còn thoi thóp. Cái chết đang đến, đang đến rất gần. Lại thêm cái tiếng quạ cứ gào lên thê thiết từng hồi vì chúng đã đánh hơi thấy mùi xác chết đâu đó. Tất cả cảnh vật nơi đây như đều đang lâm vào thế lụi tàn, tan rữa. Ở đoạn này, giọng văn của Kim Lân rất tỉnh táo, khách quan nhưng nó như dồn nén một cảm xúc đau thương, thảm thiết nên đã gây lên một ấn tượng mạnh.

Giữa cái cảnh nghèo khổ bần cùng, cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người dân trong xóm bỗng thấy Tràng dẫn theo một người đàn bà về nhà nữa. Tràng dẫn theo người đàn bà này về để làm vợ, để xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và tiếp nối sự sống. Như đứng bên bờ vực thẳm của cái chết, họ đã tìm được sự sống. Giọng kể của tác giả bỗng trở lên hóm hỉnh: “Mặt hắn có một vẻ gì phởn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Tràng cảm thấy vui sướng, hào hứng trước sự kiện to lớn bất ngờ của cuộc đời mình: anh cuối cùng đã lấy được vợ và anh đang dẫn vợ về nhà để ra mắt mẹ. Cái đói, cái chết tràn lan, mình cũng đói, mẹ cũng đói, thế mà tự nhiên mình lại có vợ. Chuyện lạ lùng mà thật thú vị!

Lạ lùng với Tràng cũng là điều lạ lùng cả với cái xóm ngụ cư tồi tàn, nhỏ bé này. Cái cảnh anh cu Tràng đi trước còn thị đi sau cách ba bốn bước với cái dáng vẻ rón rén, e thẹn, “đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt… làm cho mọi người trong xóm đều tò mò đổ ra xem. Bọn trẻ con thấy lạ trước, cái lạ lùng ấy đã thắng cả cái đói, trả lại sự vui đùa hồn nhiên vốn có của chúng. Một đứa còn đột ngột gào to lên: Anh Tràng ơi! Chông vợ hài!”, khiến cho anh Tràng phải bật cười mà chửi yêu: “Bố ranh!”, nhưng mà trong bụng thì đang khoái lắm. Sau trẻ là bà con trong xóm chợ ai nấy cũng thấy lạ. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Họ hiểu đôi phần, khuôn mặt họ bỗng dưng rạng rõ hẳn lên. Từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn le lói một niềm vui.

Họ thấy thú vị khi nghĩ tới chuyện Tràng lấy được vợ. Họ cũng muốn chia vui cùng anh. Cái xóm ngụ cư đang hấp hối ấy nay như bừng lên một thoáng sống.

Vui đấy nhưng rồi lại cũng lo ngay đấy. Người ta còn lo thay cho Tràng mà thốt lên: ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?” Đó là họ lo cho cái sự sống mong manh đang phải đối mặt từng ngày với cái chết kia nhưng cũng luôn hi vọng vượt lên cái chết.

Hai người đã về đến nhà. Cái tổ ấm của họ sẽ ra sao trong đêm tân hôn? Sự sống của họ được tiếp nối như thế nào?

Cái được gọi là nhà ấy đúng ra chỉ là một túp lều vắng teo, rúm ró, lụp xụp. Trong lều nào là niêu bát, xống áo vứt bừa bộn trên giường, dưới đất. Khung cảnh hoang tàn mà vắng lạnh. Tràng bỗng có cảm giác sờ sợ người đàn bà đang ngồi bất động ở mép giường kia như một bóng ma. Có cái gì đó rất kì dị như trong những truyện ma quỷ thời xưa.

Đến đêm, cảnh tượng ấy lại càng lạ lùng hơn nữa. Hai vợ chồng nằm bên nhau, họ chỉ đành giấu những gì yên vui vào trong bóng tối. Nhưng bóng tối ấy lại cũng không yên mà trở lên hãi hùng, đáng sợ hơn bởi đầy tiếng hờ khóc tỉ tê trong gió vẳng lại từ những nhà có người chết đói.

Lấy vợ lấy chồng là việc lớn nhất của một đời người, là niềm hạnh phúc trăm năm. Ấy vậy mà ở đây, một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh ấy của hai người lại bị bủa vây xung quanh bởi cái đói và cái chết. Buổi chiều là tiếng quạ kêu thảm thiết từng hồi, là bóng người dật dờ như những bóng ma, ban đêm lại là tiếng hờ khóc người chết. Nhưng sự sống vẫn luôn bất diệt. Từ trong cái chết kia, sự sống vẫn âm thầm sinh sôi nảy nở. Điều đó nói lên ý chí của con người và quy luật của cuộc đời mạnh mẽ biết là chừng nào!

Sau một đêm, Tràng thấy mình như khác hẳn: “Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc anh có vợ đến hôm nay anh vẫn còn ngỡ ngàng như đang mơ. Mình đã có vợ thật rồi ư? Là ai vậy? Cưới bao giờ nhỉ? Không lẽ mong ước có vợ bao lâu nay của mình đã thành sự thật một cách dễ dàng, chóng vánh đến thế sao? Chuyện xảy ra cứ như là mơ vậy, thật khó tin, nhưng cái cảm giác êm ái lửng lơ lạ lùng chưa từng thấy kia vẫn đang còn tồn tại trong người anh và rõ ràng ngay trước mắt, người đàn bà bằng xương bằng thịt kia chính là vợ anh.

Nỗi niềm mong muốn được yêu thương và cái khát khao xây dựng cho mình một tổ ấm gia đình đó là bản năng của con người. Buổi sáng đầu tiên sau khi Tràng có vợ, không khí gia đình anh nay bỗng trở lên khác hẳn. Nhờ sự có mặt của thị, người vợ mà anh đã nhặt về kia mà ngôi nhà này mới thật sự là một tổ ấm. Trước kia, hai mẹ con Tràng chỉ sống tạm bợ cho qua ngày mà thôi. Nay dường như ai cũng có trách nhiệm hơn với nhà cửa, vườn tược của mình. Nhìn vợ và mẹ mình đang dọn dẹp nên “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”. Một niềm vui sướng và phấn chấn đột ngột ngập tràn trong lòng anh. Tâm trạng này diễn ra với một người như Tràng mới thật cảm động làm sao. Người ta lấy vợ lấy chồng là điều hết sức bình thường, có gì đặc biệt lắm đâu; nhưng với Tràng thì khác, đó là cả một ước mơ to lớn mà tưởng chừng như không bao giờ thực hiện được. Giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm được nhà văn gửi gắm chính là ở chỗ ông đã phát hiện, đồng cảm và chia sẻ niềm vui sướng hạnh phúc rất đời thường này ở những thân phận nghèo khổ trong xã hội cũ. Niềm khao khát có được hạnh phúc gia đình và niềm tin vào tương lai của người dân lao động là điều rất đáng trân trọng.

Bên cạnh nhân vật Tràng, thì thị – người vợ nhặt cũng là một nhân vật trung tâm của truyện. Người đàn bà ấy còn không có đến một cái tên để gọi. Không tên, không tuổi, đến cả một đặc điểm nhận dạng cũng không có nốt. Chẳng ai biết gốc tích, quê quán của chị ở đâu? Cha mẹ của chị là ai? Nhà cửa, anh em chị thế nào? Tất cả đều không, chẳng có một thông tin gì cả. Chỉ biết là hằng ngày, chị vẫn ngồi lẫn vào trong cái đám con gái trước cửa kho thóc để nhặt nhạnh những hạt rơi hạt vãi hay chờ ai có việc gì thuê mướn thì làm.

Bộ dạng thê lương của chị ta cũng giống như những kẻ đói khát khác: “…Áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Chị ta là một trong hàng triệu con người Việt Nam đang lâm vào cảnh bần cùng, đói rách, tha phương cầu thực, chỉ biết lang thang vất vưởng để kiếm ăn và sẽ chết gục nơi đầu đường xó chợ nào đó bất cứ lúc nào.

Việc chị ta trở thành vợ của anh Tràng giống như một trò đùa, là một chuyện tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng”.

Xưa nay, hôn nhân là chuyện đại sự. Con gái đi lấy chồng dù giàu nghèo gì cũng phải cố cưới xin cho tử tế. Giàu thì làm lớn, làm trang trọng để mời họ mời làng. Nghèo đến mấy thì cũng phải có cái mâm cơm để trình tổ tiên, ông bà rồi mới nhận vợ, nhận chồng.

Vợ thì cũng có đến năm bảy loại vợ. Có loại thì quý hóa như cô tiểu thư con nhà quan trong Lí ngựa ô, đem lại danh giá, đem lại giàu sang cho chồng. Có loại vợ thì phải tốn bao nhiêu công sức, tiền của mới cưới được. Tủi nhục thay cho những ai mang tiếng là vợ theo (nghĩa là theo không, chẳng có cưới hỏi gì). Cả xã hội và gia đình đều không chấp nhận những cuộc hôn nhân như vậy. Nhưng còn tủi nhục hơn nữa, người đàn bà trong câu truyện này lại là vợ nhặt – Tràng tình cờ nhặt được chị, nhặt được vợ như nhặt được một thứ gì đó rơi trên đường.

Lần đầu, chị quen Tràng chỉ bởi câu hò đùa chơi cho đỡ nhọc của anh và những lời trêu ghẹo của bạn bè xung quanh. Chị lon ton chạy lại đẩy xe bò cho Tràng, đùa bỡn với anh, còn liếc mắt cười tít. Chuyện đùa giỡn chỉ có thế nên chị không để lại ấn tượng gì trong trí nhớ của Tràng. Vì thế, trong lần gặp lần thứ hai, anh đã không nhận ra chị ta bởi chị ta thay đổi quá: “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi…

Là do chị ta đói. Đói lắm! Cái đói như đang cào cấu ruột gan. Chị ta đã sỗ sàng gợi ý để Tràng mời ăn và chị đã ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc. Cứ cắm đầu mải mê ăn, chẳng chuyện trò gì, chị ăn như chưa từng được ăn. Quên cả việc giữ kẽ, ý tứ quên cả nỗi thẹn thùng. Cái đói đã đẩy lùi đi cái sĩ diện, đẩy lùi cả nhân cách.

Ăn như thế chắc hẳn là bị đói lâu rồi, nay chỉ cần có một chút gì đó cho vào bụng để sống. Cái cảnh ấy đã khiến cho Tràng động lòng thương. Anh đã nửa đùa nửa thật nói: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về. Ai ngờ chị lại theo anh về thật.

Người đàn bà ấy đi theo Tràng về trước hết là chì vì miếng ăn thôi chứ chẳng có tình cảm gì. Nghĩ lại cũng thấy xấu hổ nên trên đường đi về nhà “chồng”, chị ta chả biết phải nói gì và tỏ ra ngượng ngùng, e thẹn khi thấy mọi người trong xóm ngụ cư nhìn mình với ánh mắt đầy sự tò mò.

Chị ta chấp nhận theo không một người đàn ông xa lạ chẳng hề quen biết, lại còn xấu xí chỉ là để có một nơi nương tựa không phải chết đói. Lâm vào cái tình cảnh éo le ấy, chị ta vừa thấy ngượng ngùng vừa thấy tủi phận. Lúc gặp bà cụ Tứ – mẹ anh Tráng, chị lại e thẹn, khép nép, chẳng biết nói năng ra sao, chào hỏi thế nào cho phải.

Một người đàn ông mới quen qua hai lần gặp, rồi hào phóng cho chị ăn một bữa no, ngoài ra chẳng biết tính tình ra sao, gia cảnh nhà cửa thế nào, chỉ nghe nói rằng chưa có vợ (còn không biết là thật hay giả), vậy mà chị đã đi theo một cách dễ dàng, không đắn đo, sợ hãi. Có liều lĩnh quá chăng? Nhẹ dạ quá chăng? Nhưng mặc kệ! Theo anh ta để được ăn, để được sống cái đã, còn vợ chồng là chuyện lâu dài, biết đâu mà tính trước được. Không đói, không chết lúc này mới là điều quan trọng nhất. Mọi cái khác chỉ là thứ yếu tất. Thế mới biết rằng cái đói nó ghê gớm, kinh khủng biết chừng nào!

Khi vào nhà Tràng, chị chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay cứ ôm khư khư cái thúng, với vẻ mặt bần thần. Là anh Tràng mời chị ngồi cơ mà? Sao chị lại không dám ngồi cho ngay ngắn, đàng hoàng chứ? Mẹ anh còn chưa về, có ai đâu mà chị phải giữ lễ phép? Hóa ra cái dáng mà chị ngồi, cái dáng ngồi rụt rè, chông chênh ấy kỳ thực đó cũng là cái thế của lòng chị, của đời chị. Liệu cái chỗ ngồi này có phải là chỗ của chị hay không? Mái nhà này liệu có phải là nơi để chị dung thân không? Chị bần thần là vì chị ngỡ mọi chuyện vừa xảy ra không phải là thực. Làm vợ, làm dâu mà dễ dàng thế này ư? Lấy chồng là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời người con gái, nhưng chị có được hưởng chút nào đâu? Buồn lắm! Cũng tủi thân lắm! Trăm điều ngổn ngang. Chị không nói được lên lời vì nếu chị nói chắc chắn chị sẽ khóc. Nỗi đau không trào ra theo nước mắt mà lặn sâu trong tâm can nên càng đau, càng tủi hơn.

Ấy thế mà chỉ sau một đêm làm vợ anh Tràng, chị đã khác hẳn: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chạo chát như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh…” Hoàn cảnh sống nghiệt ngã kia đã biến chị ta có lúc thành kẻ trâng tráo, nhưng bản chất của chị thì không phải như vậy. Nếu hôm qua, cái đói đã làm mất đi những điều tốt đẹp ở chị thì hôm nay, chị đã bắt đầu có ý thức vun vén cho tổ ấm, cho hạnh phúc của mình. Chị quét dọn sân nhà, vườn tược sạch sẽ, gánh nước đổ đầy ang… Có bàn tay săn sóc, chu đáo của chị, túp lều rách nát, tăm tối của mẹ con anh Tràng nay bỗng trở lên sáng sủa và gọn ghẽ hẳn ra. Sự sống dường như đã trở về với người, với cảnh. Cho tới lúc này, chị mới có cảm giác chuyện mình làm vợ người ta là thật. Cái hạnh phúc giản đơn mà đầm ấm ấy đã đem đến một sự đổi thay to lớn trong hình dáng cũng như tính cách của chị, khiến cho Tràng cũng phải ngạc nhiên, bỡ ngỡ.

Bà cụ Tứ mẹ của anh Tràng là nhân vật gây được rất nhiều thiện cảm đối với người đọc. Tấm lòng nhân hậu của bà mới thật đáng quý làm sao! Lúc đầu, khi thấy người một người con gái xa lạ đang ngồi ở giường con trai mình, bà đã ngạc nhiên lắm. Được chào bằng u, bà lại càng không hiểu gì và còn cố nhìn cho kĩ mà vẫn không nhận ra thị là ai. Bà phân vân, đoán định, ngờ vực… Mãi cho đến lúc Tràng bảo: “Kìa nhà tôi nó chào u… thì lúc này bà mới vỡ lẽ. Bà cúi đầu nín lặng. Bà đã hiểu rồi. “Lòng của người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình…” Ra là thế! Thằng con trai mình nó đã kiếm được vợ rồi, nhưng…

Bà tủi thân tủi phận vì là bậc cha mẹ mà bà đã không làm tròn bổn phận đối với con cái. Trăm sự cũng là do cái nghèo mà ra: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Bà  đã lo lắng thực sự: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. Nhưng rồi bà lại ngẫm đến thân phận nghèo khó của hai mẹ con, mà tự an ủi: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…” Nghĩ thế nên bà đã vui lòng chấp nhận chị là nàng dâu mới trong nhà. Bà cư xử với chị hết sức dịu dàng, còn âu yếm gọi chị là con, xưng u và bà nhìn người con gái kia, lòng đầy thương xót. Bây giờ nó đã là dâu con trong nhà rồi.

Với tâm lí của một người mẹ, bà vẫn luôn ao ước có được dăm ba mâm cơm trước để cúng tổ tiên ông bà, sau là mời làng mời xóm. Nhưng có lẽ ao ước ấy không thể thực hiện được vì nhà bà nghèo quá. Bà là người rất biết trước biết sau, nhưng cái khó bó cái khôn, bà cũng đành chịu. Bà chỉ biết dành cho các con những lời khuyên nhủ chân tình, “cốt làm sao cho chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.

Con trai tự dưng lại có được vợ, bà cũng mừng lắm: “Bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa… Bà không vui sao được khi đứa con trai của mình nay đã thành gia thất! Bà cũng đã vơi đi một mối lo âu mà bấy lâu nay cứ canh cánh trong lòng. Bữa ăn đầu tiên của ba mẹ con, dẫu chỉ có chút cháo loãng với muối hột nhưng bà lại toàn nói những chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này:

Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem…”

Ở trong người đàn bà già nua, nghèo khổ này như chứa đựng những nét đạo lí cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bà cố gắng xua đi những cái ám ảnh đen tối đáng sợ của thực tại và như thắp lên niềm tin, niềm vui cuộc sống cho các con. Trong cái thân hình khẳng khiu, gầy ruộc, tàn tạ vì đói khát ấy vẫn luôn nung nấu một ý chí mãnh liệt: “Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mọt cơm, cầm cái muôi vừa khuấy khuấy vừa cười:

– Chè đây… Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Rồi bà múc trao cho con dâu, con trai, miệng vẫn tươi cười, đon đả: – Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy…

Bà “đãi” nàng dâu mới một món ăn vô cùng đặc biệt mà bà gọi là chè, nó được nấu bằng cám. Bà khen ngon đáo để và còn so sánh: “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy. Chao ôi thật là khổ! Phải đói đến mức như nào thì ăn cám mới thấy ngon? Cuộc sống đầy sự khắc nghiệt kia đã đày đọa con người, bắt họ phải sống một cuộc sống của loài vật, nhưng nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong lòng của bà mẹ khốn khổ kia. Bà cố đổi nỗi buồn thành niềm vui. Bà  đang cố tươi cười, đon đả để cho bữa cơm đỡ phần thê thảm hơn, còn tác giả và chúng ta thì đang khóc. Khóc là vì thương, vì trân quý tấm chân tình của bà.

Sống giữa cái chết lúc nào cũng như cận kề, vậy mà những con người nghèo khổ như mẹ con anh Tràng vẫn luôn tin vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp hơn: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Bà cụ Tứ cứ tin vu vơ như thế thôi. Vì miếng cơm manh áo khiến họ buộc phải vượt lên hết mọi gian nan, khổ ải để sống nên mới có được một niềm tin mãnh liệt ấy.

Ba mẹ con Tràng như đã tìm thấy niềm vui, niềm tin yêu trong sự nương tựa, cưu mang lẫn nhau. Tình vợ chồng, tình mẹ con sẽ là động lực để giúp họ tăng thêm sức mạnh vượt qua cái giai đoạn ngặt nghèo trước mắt. Tình cảm ấy là điều rất cần nhưng nó chưa đủ để đảm bảo cho ba người họ một tương lai tốt đẹp hơn. Hiện tại, cuộc sống vẫn luôn là một màu xám xịt, đầy đe dọa của sự chết chóc: “Ngoài đình bỗng dội lên một hồi trống, dồn dập, vội vã. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn trên nền trời như những đám mây đen…

Cái tài tình của Kim Lân là cứ nhẹ nhàng như không nhưng mà lại luồn lách ngòi bút động đến tận nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, bắt người ta phải cười, phải khóc và phải sống với nhân vật của mình.

Trong suốt câu truyện, tác giả không một lần trực tiếp nhắc đến bọn thực dân Pháp hay phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai nhưng những tội ác của chúng gây ra vẫn hiển hiện, như phơi bày trên từng trang viết và được nó gói gọn trong câu nói đầy sự phẫn uất của bà mẹ già: “Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ…Người con dâu nhắc về chuyện trên mạn ngược, “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy. Điều ấy đã gợi cho Tràng nhớ tới “cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm” và tâm trí của anh mãi bị cuốn hút bởi hình ảnh ấy.

Tràng chưa được giác ngộ cách mạng cho nên lúc chứng kiến cái cảnh đó anh cảm thấy sợ. Giờ hiểu ra rồi, anh lại thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu. Bước đầu, anh thấy rằng đó là việc cần phải làm vì không còn cách nào khác. Tin rằng vào lần sau, trong đoàn người đi phá kho thóc của bọn Nhật, thế nào cũng có mặt của vợ chồng Tràng. Hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới” đã đem đến cho Tràng bao niềm hi vọng vào sự đổi đời.

Truyện “Vợ nhặt” là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách viết độc đáo của Kim Lân. Cốt truyện rất đơn giản nhưng lại rất chặt chẽ. Trong truyện, người và cảnh như đan xen, tương phản với nhau.  Cái bản chất đẹp đẽ ở bên trong tương phản với vẻ xấu xí ở bên ngoài, sự sống tương phản với cái chết. Tất cả đều hướng tới làm nổi bật lên chủ đề của truyện.

Tác giả không tập trung miêu tả kĩ cái hiện thực tàn khốc lúc bấy giờ mà  lại chú trọng đến việc thể hiện nét đẹp tinh thần ẩn giấu bên trong cái bề ngoài xác xơ vì đói khát của những người dân nghèo khổ. Viết truyện này, nhà văn bày tỏ thiện cảm sâu sắc đối với họ. Ông đã khẳng định sự đói khát, nghèo nàn không thể tiêu diệt được bản tính tốt đẹp của con người, hiện thực đầy tăm tối, u ám cũng không giết chết nổi niềm tin vào cuộc sống. Trong hoàn cảnh khó khăn, cơ cực, đọa đày, trong họ vẫn nhen nhóm niềm tin, vẫn luôn hi vọng vào sự đổi đời và một tương lai tốt đẹp. Truyện đã gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bởi tính chất nhân văn cao cả, sâu xa, bởi ngôn ngữ mộc mạc, sinh động và giàu sức gợi tả. Tấm lòng của tác giả đã gửi gắm trong truyện thật đáng quý biết chừng nào!

Bài văn phân tích vợ nhặt hay
Bài văn phân tích vợ nhặt hay

Phân tích nhân vật vợ nhặt

(Bài văn mẫu phân tích tác phẩm vợ nhặt – số 2)

Kim Lân là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông thường tập trung viết về người nông dân. Người nông dân trong những trang viết của nhà văn Kim Lân dù có cuộc sống nghèo khổ nhưng ở họ luôn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp: thật thà, chất phác, yêu đời, hóm hỉnh, tài hoa. “Vợ nhặt” là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông khi viết về người nông dân.

Tác phẩm được lấy bối cảnh từ nạn đói năm 1945, đó là năm diễn ra nạn đói khủng khiếp, nó đã khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Cái đói tràn lan khắp nơi, thật khủng khiếp khiến cho con người không thể nào chống cự được, tất cả những điều đó đã được Kim Lân tái hiện thành công trong tác phẩm này của ông.

Trước hết là về màu sắc, những màu sắc gợi lên sự chết chóc, ảm đạm, u tối, tàn lụi và héo úa, đó là màu xanh xám của da người hay màu đen kịt của đàn quạ bay trên trời. Bao quanh cái không gian đó là một mùi ẩm thối của rác rưởi và là mùi gây tanh của xác người chết, mùi đốt đống dấm khét lẹt. Kết hợp với tiếng kêu thê thiết từng hồi của những con quạ đánh hơi được mùi xác chết, hòa lẫn với tiếng hờ khóc tỉ tê từ những gia đình có người chết đói. Để làm rõ nét hơn về cái nạn đói khủng khiếp kia, Kim Lân còn cho người đọc thấy hình ảnh thê thảm hơn, sáng nào cũng có ba bốn thây người chết vì đói khát bệnh tật nằm còng queo ở bên đường. Tình cảnh người dân lúc bấy giờ vô cùng thảm thương, bất hạnh. Kim Lân đã nhìn nhận hiện thực bằng một cái nhìn vô cùng chân thực, sắc nét, không hề né tránh, tất cả đã được phơi bày trên những trang văn của mình, để người đọc thấy rõ được cái khủng khiếp, dã man của nạn đói năm 1945. Nhưng giá trị nhân văn thật sự của tác phẩm nằm ở chỗ: dù con người phải sống trong bóng tối của cái đói, cái chết, nhưng tác giả vẫn tìm thấy ánh sáng của vẻ đẹp trong tâm hồn họ.

Sau khi đã vẽ lên khung hình chung của nạn đói ấy, nhân vật chính đầu tiên trong truyện xuất hiện, đó chính là anh cu Tràng. Tràng vốn là một thanh niên ngụ cư, sống một cuộc sống tha phương cầu thực, những người dân ngụ cư thường bị dân làng nơi đây phân biệt, kì thị, phải sống ở rìa làng, chứ không được sống chung trong trung tâm của làng. Không chỉ có vậy, họ còn không được chia ruộng đất và cũng không được tham gia vào bất cứ hoạt động sinh hoạt cộng đồng nào của làng xã. Anh cu Tràng cũng bị đặt ra ngoài lề xã hội như thế. Không chỉ dừng lại ở đó, gia đình của Tràng còn rất nghèo, mồ côi cha từ sớm chỉ còn một mẹ già, hai mẹ con họ nương tựa vào nhau mà sống, vì không được chia ruộng đất nên Tràng phải làm một công việc bấp bênh để kiếm sống đó là: kéo xe bò thuê.

Số phận của anh càng trở lên trớ trêu hơn, khi gia cảnh đã nghèo nàn, còn là người ngụ cự, anh Tràng lại còn có một ngoại hình hết sức xấu xí. Hai mắt thì nhỏ tí, hai bên quai hàm bạnh ra thô kệch, khiến cho khuôn mặt càng to lớn hơn. Thân hình thì to lớn vập vạp, lưng to như lưng gấu, như một người khổng lồ. Đã thế, Tràng còn có cái tật vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ  và cứ thế ngửa mặt lên trời than rồi cười hềnh hệch. Anh ta như hội tụ đầy đủ vẻ đẹp để hấp dẫn lũ trẻ con trong xóm, còn với các cô gái thì anh hoàn toàn không có một chút hấp dẫn nào, cả về ngoại hình đến gia cảnh, chính vì thế mà anh cu Tràng không có khả năng lấy được vợ.

Nhưng trong một lần đi đẩy xe bò, anh hát ngêu ngao, thì anh cu Tràng đã lấy được vợ, đúng hơn là nhặt được vợ một cách đầy bất ngờ và ngỡ ngàng. Trong những lúc làm việc mệt nhọc, người dân ta thường có những câu hò, câu hát để xua tan đi cái mệt, tăng động lực làm việc. Và anh cu Tràng cũng vậy, anh cũng hò, cũng hát, lời hát ấy hết sức bông đùa: “Muốn ăn cơm trắng với giò. Lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Nhưng thật không ngờ lời nói ấy đã khiến thị theo anh về làm vợ thật.

Trước khi đưa cô vợ vừa kiếm được về nhà, Tràng đã rất chu đáo, dẫn vợ lên chợ tỉnh mua một chiếc thúng con mới, rồi dẫn thị đi ăn một bữa no nê, còn mua những hai hào dầu để về thắp sáng ngôi nhà trong lần đầu anh dẫn vợ về. Anh cu Tràng từ một kẻ có ngoại hình thô kệch, lúc nào cũng lảm nhảm nói chuyện một mình và cười hềnh hệch, hôm nay bỗng trở lên tâm lí, chu đáo và tinh tế đến lạ thường. Trên đường dẫn vợ về, Tràng mang một niềm vui sướng, hớn hở, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười. Khuôn mặt anh hiện rõ vẻ hạnh phúc, rạng rỡ lại còn vênh vênh tự đắc với chính mình. Cảnh sống cơ cực, nghèo khổ hàng ngày, Tràng như đã quên hẳn, mà giờ chỉ còn niềm vui, niềm hạnh phúc khi anh đã lấy được vợ. Bước chân về đến nhà Tràng bỗng thấy ngượng nghịu, xấu hổ mà đứng tây ngây giữa nhà, chợt thấy sờ sợ, sợ thị thấy nhà mình nghèo rồi bỏ đi, nhưng lại vừa hạnh phúc và sung sướng khi việc mình lấy được vợ nay đã trở thành hiện thực. Điều Tràng mong ngóng nhất bây giờ đó là đợi mẹ mình về nhà, để còn ra mắt nàng dâu mới. Lời giới thiệu thị với mẹ của Tràng cũng rất trân trọng, để nàng dâu mới bớt đi phần nào sự ngượng ngùng, xấu hổ. Tràng như thay đổi thành một con người khác hẳn, tâm lí, nhạy bén và lại rất khéo léo trong cách ăn nói. Dường như niềm hạnh phúc mới này đã đem đến một sự thay đổi lớn trong tâm lí cũng như trong suy nghĩ của anh cu Tràng.

Hạnh phúc ấy đã khơi dậy ý thức, bổn phận và trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Sáng hôm sau, khi thức dậy, Tràng cảm thấy trong người có cảm giác dễ chịu, êm ái, như người đi ra từ trong giấc mơ vậy, anh ngỡ ngàng trước hạnh phúc mà mình đang nắm giữ. Tràng quan sát một lượt khung cảnh xung quanh đang bày ra trước mắt mình, nhận thấy mọi thứ thay đổi mới mẻ, khác lạ, nhà cửa không bừa bộn như trước kia nữa mà được dọn dẹp sạch sẽ, không khí gia đình nay bỗng trở lên thật ấm áp, vui vẻ, mẹ và vợ đang chung tay dọn dẹp, vun vén cho ngôi nhà. Tràng bỗng thấy yêu thương ngôi nhà này hơn, đồng thời cũng nhận thấy trách nhiệm của bản thân là phải biết lo lắng cho gia đình, cho vợ con. Và sự ý thức đó đã được tác giả hiện thực hóa bằng hành động xăm xăm chạy ra sân, muốn chung tay cùng tu sửa lại căn nhà, để nghênh đón một tương lai tươi sáng hơn đến với gia đình. Đồng thời trong Tràng cũng bừng lên một niềm khát vọng đổi đời mãnh liệt, anh đã biết quan tâm đến cả những chuyện ngoài xã hội: mạn Thái Nguyên Bắc Giang không đóng thuế mà còn phá kho thóc Nhật cha cho người đói”, những điều mà trước kia anh chưa từng quan tâm tới. Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới  như lẩn khuất, ẩn hiện trong trí óc của Tràng. Đó chính là một tín hiệu cho tương lai tươi sáng. Người đọc tin tưởng rằng Tràng sẽ đi theo Việt Minh và theo cách mạng.

Xây dựng nhân vật Tràng trong tác phẩm, Kim Lân trước hết đã phơi bày cuộc sống đầy khổ cực của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945. Nhưng đằng sau đó còn tác giả còn nói lên sự cảm thương cho số phận họ. Phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp của người dân trong tình cảnh khốn cùng đó là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào tương lai.

Cùng nhân vật Tràng, ta không thể không nhắc đến nhân vật thị – người vợ nhặt. Người vợ nhặt ấy không có lai lịch rõ ràng, không biết quê quán, không có nghề nghiệp và thậm chí còn không có một cái tên để gọi. Có thể thấy rằng, trong cái nạn đói khủng khiếp kia, thân phận của con người trở lên hết sức vô nghĩa. Lần thứ hai khi gặp Tràng, quần áo thị rách rưới, tả tơi như tổ đỉa, người thì gầy sọp đi vì đói, mặt lưỡi cày xám ngoét, hai con mắt thị sâu trũng hoáy lại. Ngoại hình của thị lúc ấy vô cùng thảm hại, thê lương, đó là do cái đói đã gây ra cho con người. Giọng điệu của thị cũng hết sức chao chát, chỏng lỏn: “Điêu! Người thế mà điêu!”,Ăn thật nhá”, ăn xong rồi thì “Hà, ngon. Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”; rồi những hình ảnh  “cong cớn”, “Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “ mặt sưng sỉa nói”, “cắm đầu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”. Thị tỏ ra là một người hết sức vô duyên, không còn giữ ý tứ gì cả, dường như cái đói, cái chết có thể mài mòn đi nhân cách của con người ta ghê gớm đến như vậy.

Nhưng đằng sau cái vẻ chỏng lỏn đến vô duyên ấy của thị lại là một con người có khát vọng sống vô cùng mãnh liệt. Bên cạnh đó, thị còn hiện lên với một vẻ đẹp đầy nữ tính, trên đường theo anh Tràng về nhà, thị rón rén, e thẹn: “Thị cắp cái thúng con, cái đầu hơi cúi xuống; cái nón rách tả tơi nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”. Khi về đến nhà chồng, nhìn thấy quang cảnh rách nát, lụp xụp của nhà chồng thị nén tiếng thở dài, rồi chỉ dám ngồi mớm ở mép giường và thị cũng vô cùng lễ phép khi gặp mẹ chồng. Sáng hôm sau cô đã tỉnh dậy sớm và cùng mẹ dọn dẹp, vun vén nhà cửa. Nhân vật người vợ nhặt này đã thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Cuối cùng là nhân vật bà cụ Tứ – mẹ anh cu Tràng, dù chỉ xuất hiện thấp thoáng trong tác phẩm, nhưng lại mang vai trò, ý nghĩa quan trọng. Bà là một người phụ nữ nghèo khổ, cơ cực, hoàn cảnh éo le: là dân ngụ cư tha phương cầu thực; chồng và con gái thì mất sớm. Cả đời bà lận đận, chỉ có một tâm nguyện lớn nhất đó là lấy vợ cho đứa con trai mình nhưng mãi mà không dành dụm được tiền, thế rồi trong lúc nghèo đói đến cùng cực thì người con trai lại nhặt được vợ. Nhìn thấy con trai đưa vợ về, bà nín lặng cúi đầu, mang nhiều nỗi băn khoăn, nhưng rồi bà vẫn rất vui mừng cho đôi trẻ. Bà còn dặn dò, dạy bảo hai vợ chồng mới, nói những chuyện tương lai tốt đẹp để đem đến niềm tin và sự lạc quan cho chúng. Bà là một người mẹ có tấm lòng nhân hậu và hết sức yêu thương con.

“Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong nền văn học hiện thực của Kim Lân. Tác phẩm vừa tái hiện được hiện thực cuộc sống nghèo khổ của nhân dân ta, đồng thời cũng ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Kim Lân đã thể hiện sự trân trọng, nâng niu những ước mơ đổi đời của con người qua tác phẩm. Không chỉ vậy, “Vợ nhặt” cũng cho thấy sự tài tình của Kim Lân trong nghệ thuật phân tích tâm lí và miêu tả nhân vật.

Phân tích vợ nhặt hay
Phân tích vợ nhặt hay

Tóm tắt truyện ngắn vợ nhặt

(Bài văn phân tích vợ nhặt – mẫu số 3)

Kim Lân một trong số những nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học hiện thực Việt Nam viết về nông dân và vẻ đẹp của họ. Những tác phẩm của Kim Lân độc đáo trong cách xây dựng tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật bậc thầy của ông. Và có thể nói, truyện ngắn Vợ nhặt  được rút ra từ tập “Con chó xấu xí” là một tác phẩm tiêu biểu làm nổi bật phong cách sáng tác của ông

Truyện bắt đầu từ việc nhặt được vợ đầy lạ lùng của anh cu Tràng. Theo lẽ thường, để lấy được vợ thì người ta phải có lễ cưới xin đàng hoàng, còn với anh cu Tràng thì lại khác, anh có được vợ chỉ với vài câu hát bông đùa cùng bốn bát bánh đúc ăn vội. Tình huống càng lại éo le hơn, khi mà Tràng và người mẹ già đang phải sống trong cảnh đói khổ, vùng vẫy giữa cảnh khốn cùng của nạn đói thì Tràng lại đèo bòng, nhà lại có thêm một miệng ăn có nghĩa lại thêm một gánh nặng ghì lên vai. Tràng lấy được vợ khiến cho người dân ở xóm Ngụ cư ai nấy đều hết sức kinh ngạc, xen lẫn sự tò mò, thích thú nhưng cũng không khỏi lo lắng, xót xa trước tình cảnh đầy éo le. Bởi họ biết rằng trong thời điểm này đến thân mình còn không lo nổi thì làm sao có thể lo thêm cho ai. “Nhặt vợ” một tình huống tuy nhẹ nhàng nhưng lại là tiền đề để phát triển nội dung truyện, thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc trong tác phẩm nói về tình người và lòng nhân ái. Giữa cái cảnh khốn khổ, cùng cực, người ta vẫn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ nhau, trong cái đói nghèo thì ngọn lửa của khát khao hạnh phúc vẫn luôn nhen nhóm và bùng cháy trong tâm thức của mỗi con người. 

Những nhân vật bước ra từ truyện ngắn “Vợ nhặt” đều để lại trong lòng mỗi người đọc chúng ta những ấn tượng và niềm thương cảm sâu sắc. Trước tiên, là nhân vật Tràng, anh là một người nông dân chân chất,  hiền lành, chất phác mà giàu tình cảm. Tràng là một người từ khi sinh ra đã không được sự ưu ái của tạo hóa khi mang trên mình một ngoại hình xấu xí, tình tình thì cục mịch, chẳng được lanh lợi như bao người khác: “ …Hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ.” 

Hơn thế nữa, Tràng còn là dân ngụ cư tha phương cầu thực, nên không có đất đai để mà cày cấy, đã nghèo lại càng nghèo thêm. Ngoại hình xấu xí, gia cảnh nghèo nàn, người như Tràng thì khó mà lấy được vợ, hắn biết, mẹ hắn cũng biết và cả cái xóm ngụ cư này đều biết. Tuy vậy, nhưng Tràng là một người hiền lành, tốt bụng luôn vui vẻ với bọn trẻ trong xóm ngụ cư và lại còn rất chăm chỉ. Ngày ngày, anh vẫn đi làm thuê kiếm sống, cùng người mẹ già cố gắng qua từng ngày. Cũng giống như bao người con trai khác, Tràng cũng muốn có vợ và niềm hạnh phúc ấy đã đến với anh khi được thị theo về làm vợ chỉ bằng câu nói bông đùa trong lúc đẩy xe bò thuê: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Từ giây phút ấy, từ lúc có được vợ Tràng đã bắt đầu trưởng thành và thay đổi rất nhiều. Niềm hạnh phúc lấy được vợ, niềm hạnh phúc khi được sống trong một gia đình đúng nghĩa, một căn nhà nhỏ ấm êm có một người mẹ hiền cùng một cô vợ thảo đã khiến cho Tràng thay đổi, anh thấy mình như “nên người” hơn: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.” 

Sự xuất hiện của thị – người vợ nhặt ấy là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong cuộc đời của Tràng, điều đó đã khiến anh thay đổi tích cực về cả nhận thức và hành động. Có thể nói niềm hạnh phúc to lớn ấy đã xua tan đi những nỗi lo về chuyện cơm áo của Tràng, anh thấy trân trọng và thêm niềm tin vào cuộc sống hơn. Sức mạnh của tình yêu, của hạnh phúc dường như đã cứu vớt tâm hồn của Tràng, dẫu đó chỉ là một thứ hạnh phúc được “nhặt vội” mà thôi. Qua nhân vật Tràng, Kim Lân đã bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc trước số phận éo le, nghiệt ngã của những con người bất hạnh trong xã hội và nói lên những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam. 

Bên cạnh Tràng, Thị cũng là một nhân vật trung tâm trong tác phẩm. Người phụ nữ ấy không tên, không tuổi, cũng chẳng quê quán cùng với một dáng hình gầy đét đi vì đói. Cái đói, cái chết đã đày đọa con người ta cả về dáng hình, thậm chí thị đã phải vứt bỏ cả lòng tự trọng, sự liêm sỉ của một người con gái để theo Tràng về nhà. Ở thị, ta thấy được một điều rất đáng trân trọng đó là niềm khát khao sống mãnh liệt. Thị đói quá rồi, cái đói ấy luôn chực chờ để giết chết thị bất cứ khi nào, vì vậy thị quyết định đi theo Tràng về cũng là chỉ để có miếng ăn, có một nơi nương tựa để cứu lấy mình thôi. Đi theo Tràng, làm vợ Tràng chính là lựa chọn cuối để có thể giành lại sự sống cho chính mình, nuôi hi vọng vào một điều gì đó để thay đổi cái tình cảnh đói rét của bản thân lúc ấy. 

Sau khi theo Tràng về nhà, sự chua chát, chỏng lỏn lúc mới gặp Tràng của thị đã không còn nữa mà thay vào đó là sự ngại ngùng, e thẹn của một người con gái. Nét dịu dàng, đầy nữ tính của Thị dần được bộc lộ ra qua vẻ lo lắng, sự ngượng ngùng khi ra mắt mẹ Tràng và sự săn sóc chu đáo, đảm đang khi cùng bà cụ Tứ dọn dẹp, sửa sang lại căn nhà, vườn tược vào sáng hôm sau. Có thể thấy rằng sâu thẳm bên trong con người thị là một người có trách nhiệm, chu đáo, biết sống vì gia đình, bên trong cái vẻ ngoài bất cần ấy là một con người luôn khát khao có được niềm hạnh phúc.

Và đặc biệt, nhân vật bà cụ Tứ – mẹ của anh Tráng là người mà chúng ta không thể không nhắc đến, một người mẹ hiền còm cõi ở tuổi xế chiều nhưng vẫn một lòng lắng lo cho con cái. Bà là một người mẹ có trách nhiệm, lo làm ăn để nuôi nấng con mình nên người, biết con mình – anh Tráng không được thông minh lanh lẹ như người khác, bà cũng dặn lòng, luôn lo lắng cho tương lai của đứa con trai. Cũng giống như những người mẹ khác, bà cũng luôn mong con mình có được hạnh phúc êm ấm như bao người khác khi đến tuổi lập gia đình. 

Khi thấy anh Tràng dắt thị về, bà đã vô cùng ngạc nhiên cùng với một nỗi tủi hờn và tự trách. Bà ngạc nhiên vì con mình có vợ cũng vì sự xuất hiện của người con dâu mới này, và chua xót, tự trách bởi bà hiểu trong cái cảnh khốn cùng, đói khổ quá như này thì người ta mới chịu theo, chịu làm vợ con mình. Bà luôn lo lắng bởi vì là một người từng trải chắc chắn bà hiểu được những khó khăn trong tương lai sắp tới mà cả Tràng và thị phải vượt qua. Lời dặn dò, dạy bảo con đầy ấm áp của bà thật cảm động biết bao: “Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Là một người mẹ yêu thương con hết mực, bà cũng rất mừng cho hạnh phúc của đứa con trai, dù có lo lắng nhưng trong bà vẫn mang một niềm tin vào ngày mai, vào một thứ ánh sáng mang tới những điều tốt đẹp nơi bần cùng tăm tối này. Bà cụ Tứ hẳn là một người mẹ vô cùng trách nhiệm, mẫu mực, hy sinh và giàu lòng bao dung mà ai đọc tác phẩm “Vợ nhặt” này cũng không thể nào quên được.

Với tình huống truyện đặc sắc cùng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình kết hợp với ngôn từ giản dị mà giàu sức biểu đạt,  nhà văn Kim Lân đã viết lên một tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Tác phẩm “Vợ nhặt”như là tiếng nói thiết tha, đầy lòng thương cảm và trân trọng những người nông dân nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945 đầy đau xót. Là tiếng nói mang sự căm phẫn trước những tội ác “trời không dung, đất không tha” của bọn thực dân xâm lược. Là sự trân trọng những con người luôn có khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc trong cuộc sống đầy gian khổ. Đồng thời, như mở ra một con đường để nhân dân ta vượt qua những tăm tối và vươn tới những điều tốt đẹp hơn, đó chính là con đường đấu tranh cách mạng. Với ngòi bút tài năng của mình, Kim Lân đã vẽ lên một bức tranh hiện thực đầy chân thực về những thảm cảnh trong nạn đói khủng khiếp nhất của nước ta dưới ách đô hộ.

 


XEM THÊM:

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VỢ CHỒNG A PHỦ

Soạn bài ai đã đặt tên cho dòng sông

SOẠN BÀI NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

Soạn bài ngữ văn 12 tất cả các tác phẩm có trong chương trình học