Tổng quát nội dung có trong bài viết
Tại sao xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực lại là xu thế tuyển sinh mới
Hầu hết các trường Đại học, cao đẳng đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét học bạ, ưu tiên xét tuyển hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác. Đây là các phương thức tuyển sinh truyền thống mà đa số các trường Đại học, cao đẳng đã và đang áp dụng trong công tác tuyển sinh từ trước đến nay.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã yêu cầu thực hiện công tác đổi mới tuyển sinh với mục tiêu đa dạng hóa các phương thức xét tuyển đối với các đơn vị đào tạo. Theo đó, 2 đơn vị là Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM đã tiên phong trong công cuộc đổi mới này, cụ thể cả hai đã tổ chức kỳ thi riêng được gọi là Kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi này sẽ được sử dụng làm một trong các phương án xét tuyển bên cạnh những phương thức truyền thống nói trên.
Vậy kỳ thi đánh giá năng lực là gì? Hãy cùng tìm hiểu thêm về kỳ thi này nhé!
Tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực
Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) được Đại học quốc gia tổ chức đầu tiên vào năm năm 2015, nhưng bài thi này chỉ dừng ở mục đích để tuyển các thí sinh đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào học các chương trình đào tạo tiên tiến ,chất lượng cao, tài năng, chuẩn quốc tế. Theo đó, đến năm 2018, Đại học quốc gia TP.HCM đã đổi mới và lựa chọn kỳ thi này làm căn cứ xét tuyển với nhiều mục đích khác nhau trong đó là mục tiêu bổ sung thêm một phương án tuyển sinh đại học. Vì thế kỳ thi này cũng còn khá mới đối với học sinh và phụ huynh, điều này sẽ đặt ra không ít những câu hỏi như: Kỳ thi đánh giá năng lực là gì? Tại sao phải tổ chức riêng kỳ thi này? Kỳ thi này có thật sự hiệu quả?
- Về cơ bản kỳ thi đánh giá năng lực là bài kiểm tra tổng hợp tập trung đánh giá trình độ, năng lực cơ bản của học sinh. Nhằm kiểm tra kiến thức về tự nhiên, xã hội, kỹ năng, tư duy, thái độ của học sinh, các thí sinh tham gia kỳ thi phải nắm vững kiến thức được cung cấp trong chương trình đào tạo ở mức độ bao quát. Tức là chuyển từ việc học thuộc, ghi nhớ, hiểu kiến thức,… sang khả năng tư duy sáng tạo, năng lực vận dụng và giải quyết vấn đề của thực tiễn. Điều này giúp học sinh không bị rập khuôn trong học tập, thi cử. Chính vì vậy kỳ thi sẽ là tiền đề để các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước tham khảo phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, đào tạo nghề phù hợp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân. Đặc biệt với các trường đại học lớn, lâu đời, xếp hạng cao và uy tín với nhiều ngành nghề có sức hút thí sinh và tính cạnh tranh cao thì rất cần một kỳ thi như kỳ thi đánh giá năng lực để phân loại, tuyển chọn được những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt.
- Tự chủ trong công tác tuyển sinh là điều rất cần thiết, tạo thuận lợi cho thí sinh và xã hội, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó tạo đà cho bước đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực.
- Trải qua mấy năm thực hiện tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực được đánh giá rất cao về chất lượng, công tác thực hiện, đem lại sự tin tưởng cho các thí sinh, phụ huynh và các trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Bên cạnh đó kỳ thi cũng đã đạt được những mục tiêu của Bộ GD-DT cũng như các trường đã đề ra.
Phụ huynh và thí sinh nói gì về kỳ thi đánh giá năng lực?
Chú Phạm Minh Soái (Quận 2), đưa con đi thi tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn từ rất sớm và ở lại điểm thi để chờ con. Chú chia sẻ: “Kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tổ chức rất tốt, đây sẽ là cơ hội để con tôi cọ xát, thử sức và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Ngay khi con tôi nói có ý muốn dự thi kỳ thi này, tôi đã rất vui mừng và đồng ý ngay. Tôi luôn ở bên cạnh con để động viên, khuyến khích tinh thần và trở thành hậu phương vững chắc để con yên tâm dự thi”.
Vợ chồng chú Nguyễn Thành Phương (Rạch Giá, Kiên Giang), gác lại công việc bận rộn ở quê để đưa con lên TP.HCM dự thi. Chú Phương nói: “Từ lớp 12 nhà trường đã phổ biến cho học sinh biết về kỳ thi ĐGNL. Khi cháu muốn tham gia kỳ thi này tôi đã ủng hộ hết mình. Tham gia kỳ thi này tôi muốn cháu có được sự trải nghiệm tốt hơn cho bản thân”.
Phần lớn các thí sinh sau khi tham gia kỳ thi đều cho rằng đề thi không buộc thí sinh phải học thuộc, ghi nhớ kiến thức, có nhiều câu hỏi hay, đòi hỏi khả năng suy luận. Bạn Nguyễn Ngọc Yến Nhi thí sinh đến từ Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) chia sẻ: “Em tự tin mỗi thứ một ít, và mong rằng là các bạn sẽ thi được kết quả tốt”.
Bạn Thiên Trúc, cùng trường với Yến Nhi cũng cho biết: “Em tự tin hơn ở các môn xã hội, và em có nguyện vọng vào ngành Báo chí của Trường ĐH KHXH & NV”.
Thí sinh Lê Đình Minh Trí Trường – THPT An Dương Vương (Tân Phú) chia sẻ: “Em khá hài lòng với bài thi của mình”. Bạn cũng đánh giá đề thi vừa sức với học sinh, có tính phân hoá và vận dụng cao, có thể đánh giá tổng quát khả năng tư duy, năng lực hiểu biết của học sinh. Mục tiêu bạn hướng đến khi đến với kì thi Đánh giá năng lực lần này là ngành Logistic của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM.
XEM THÊM:
- Đinh hướng đổi mới công tác tuyển sinh năm 2022
- Chi tiết điểm chuẩn xét đánh giá năng lực 2021