Đổi mới công tác tuyển sinh năm 2022

736
Đổi mới công tác tuyển sinh năm 2022
Đổi mới công tác tuyển sinh năm 2022
5/5 - (1 bình chọn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học trong công tác đổi mới tuyển sinh năm học 2021-2022, khuyến khích các trường đại học chủ động liên kết hợp tác tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực kiểm tra tư duy tại các địa phương.

Liên kết – hợp tác tổ chức thi đánh giá năng lực

Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện quá trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động liên kết, hợp tác để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy nhằm đáp ứng những yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó sẽ tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho thí sinh tham gia, giúp thí sinh không phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi. Đồng thời, tiến tới việc thành lập các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH và trung tâm khảo thí độc lập.

Yêu cầu đặt ra cho các cơ sở đào tạo là tổ chức tuyển sinh phải bảo đảm an toàn, công bằng, minh bạch. Chủ động phối hợp với các địa phương đưa ra phương án tổ chức tuyển sinh trong tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội- ông Nguyễn Phong Điền, cho rằng việc hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương của bộ là đúng nhưng có lẽ điều này chỉ thực hiện được trong tương lai, khi đã sẵn sàng và chuẩn bị đầy đủ, chứ không thể thực hiện được ngay trong năm 2022.

“Trong thời điểm hiện nay, mọi phương án tuyển sinh đều phải bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Thí sinh thuận lợi thì các trường mới thuận lợi” – ông Điền nhấn mạnh. Ông cũng nói thêm việc tổ chức các kỳ thi này tại các địa phương rất khó khăn,bởi vì phải có sự chuẩn bị cả về kỹ thuật lẫn tài chính, nếu tổ chức không khéo sẽ bị lỗ, mà lỗ thì sẽ không còn ai dám làm. Chính vì vậy, trong mùa tuyển sinh tới, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh như năm 2021, là cả tuyển thẳng, cả tổ chức thi kiểm tra tư duy, đồng thời cũng dành chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhận định của ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: trong những năm tới, các trường sẽ ngày càng độc lập, ít phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn. Tuy nhiên, việc có nên giảm chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay không vẫn là điều cần phải tính toán. “Mọi sự thay đổi phải có lộ trình để không gây sốc cho thí sinh và xã hội. Chúng tôi sẽ sớm đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp bảo đảm hài hòa với xu hướng này” – ông Triệu nêu ý kiến.

Cần tin cậy vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng – ĐHQG TP HCM, cho rằng đối với việc thực hiện tự chủ trong công tác xét tuyển, các trường nên biết phải sử dụng phương thức tuyển sinh nào phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia quan trọng hơn nhiều so với các kỳ thi đánh giá năng lực vì đây là kỳ thi chung cho tất cả thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không chỉ nhằm mục đích để xét tốt nghiệp mà qua đó còn để đánh tiêu chuẩn đầu ra của các trường THPT.

Kỳ thi đánh giá năng lực do các ĐHQG tổ chức chỉ là sự bổ sung cho những ngành chuyên biệt, vì vậy hiện nay 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào theo phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Phó Phòng Điều hành Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch- PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có những ưu điểm riêng biệt vì vậy được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển. Trước tiên, đây là kỳ thi chung cho tất cả thí sinh nên nó sẽ là thước đo chung. Tiếp theo, xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này không ai có thể can thiệp được nên tránh được những tiêu cực. “Do đó, kỳ thi cần được duy trì tổ chức, đề thi có tính phân loại tốt hơn để các trường có thể sử dụng” – ông Liêm đề nghị.

XEM THÊM: