Soạn bài đàn ghi ta của lorca – Tóm tắt kiến thức có trong bài thơ

1198
Tóm tắt kiến thức khi soạn bài đàn ghi ta của lorca
Tóm tắt kiến thức khi soạn bài đàn ghi ta của lorca
5/5 - (1 bình chọn)

Nhằm mục đích giúp các bạn học sinh dễ dàng nắm vững kiến thức và tiết kiệm thời gian trong việc tìm hiểu về tác phẩm “Đàn ghita của Lorca” hoctot.net.vn đã tóm tắt đầy đủ những kiến thức cơ bản của tác phẩm trong bài viết dưới đây, các bạn cùng tham khảo nhé.

Tham khảo thêm: Soạn bài Đàn ghi ta của lorca

1. Tổng quan về tác giả

1.1. Tiểu sử tác giả Thanh Thảo

  • Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công sinh năm 1945 tại huyện Mộ Đức – tỉnh Quảng Ngãi.
  • Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn của trường Đại học tổng hợp Hà Nội, ông tham gia hoạt động cách mạng ở chiến trường miền Nam. Ông được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca đặc sắc mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến từ những thập niên trước.
  • Năm 2001, Thanh Thảo vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

1.2. Sự nghiệp văn học của tác giả

a. Phong cách sáng tác:

Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức với nhiều những nỗi suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.

Ông luôn khước từ lối thể hiện dễ dãi, hời hợt bởi ông muốn được cảm nhận và thể hiện giá trị cuộc sống ở chiều sâu của sự tìm tòi, khám phá.

Ông là một trong số những nghệ sĩ luôn nỗ lực trong công cuộc cách tân thơ Việt với xu hướng khám phá, đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm những cách điểu đạt mới mẻ qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ những quy luật ràng buộc, khuôn sáo bằng nhịp điệu bất thường từ đó mở đường cho sự liên tưởng phóng khoáng nhằm đem đến cho nền thơ ca một mĩ cảm hiện đại với ảnh thơ và ngôn ngữ thơ mang tính hiện đại.

Kiểu tư duy thơ Thanh Thảo: giàu tính suy tư, mãnh liệt, luôn phóng túng trong xúc cảm và nhuốm màu sắc tượng trưng siêu thực.

b. Những tác phẩm chính:

  • Những người đi tới biển
  • Dấu chân qua trảng cỏ
  • Những ngọn sóng mặt trời
  • Khối vuông rubic
  • Từ một đến một trăm…

Ngoài ra, ông còn viết báo, tiểu luận phê bình văn học và các thể loại khác.

2. Tổng quan về tác phẩm đàn ghi ta của lorca

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

“Đàn ghita của Lorca” là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông, được rút từ tập “Khối vuông ru-bic”.

  • Bài thơ được viết trong thời gian rất ngắn sau khi ngồi đàm đạo về thơ ca của Lorca cùng những người bạn.
  • Lorca là nhà thơ mà Thanh Thảo rất yêu thích và ngưỡng mộ. Cả về thơ ca, cuộc đời và cái chết đầy oan ức gây chấn động cả thế giới đã gây lên những xúc cảm, ấn tượng cho Thanh Thảo, đó cũng tạo lên cảm hứng sáng tác bài thơ này.

“Đàn ghita của Lorca” là kết quả sự thăng hoa trong vô thức và sự ám ảnh về con người, cuộc đời và thơ ca của Lorca – một người nghệ sĩ tài ba của Tây Ban Nha.

2.2. Bố cục của bài thơ

Tác phẩm được chia làm 3 phần:

  • Phần 1 (6 câu thơ đầu): Hình ảnh của Lorca, một người nghệ sĩ tài ba đơn độc, tự do.
  • Phần 2 (12 câu thơ tiếp theo): Cái chết đầy oan khuất của người nghệ sĩ và sự xót xa trước cái chết của ông. 
  • Phần 3 (còn lại): Niềm xót thương Lor-ca và niềm tin vào sự bất diệt của tiếng đàn.

2.3. Phương thức biểu đạt của tác phẩm

  • Biểu cảm.

2.4. Thể thơ

  • Tự do.

2.5. Giá trị nội dung

“Đàn ghi ta của Lor-ca” của Thanh Thảo đã phác họa thành công hình tượng người nghệ sĩ tài hoa Lor-ca, người luôn có khát vọng cách tân nghệ thuật, một người chiến sĩ đơn độc suốt đời đấu tranh cho sự tự do, công lí; nhưng cuộc đời lại vô cùng bất hạnh do thế lực bạo tàn đàn áp.

Qua bài thơ, Thanh Thảo bày tỏ sự tri âm, ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của một nghệ sĩ thiên tài đồng thời cũng bày tỏ lòng đồng cảm, xót thương trước sự ra đi của ông. Qua đó nhà thơ cũng muốn nhắn nhủ tới người đọc một thông điệp: cái đẹp của nhân cách, của sự sáng tạo nghệ thuật chân chính luôn bất diệt.

2.6. Giá trị nghệ thuật

  • Thể thơ tự do, số độ dài ngắn của câu đan xen linh hoạt, tạo nên sự mới mẻ, độc đáo của bài thơ.
  • Sử dụng tinh tế những hình ảnh tượng trưng, siêu thực có sức chứa lớn về nội dung.
  • Giọng thơ có chất nhạc.
  • Sử dụng đa dạng các phương pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, liên tưởng…

Trên đây là toàn bộ những kiến thức cơ bản cần nắm vững về tác phẩm “Đàn ghi ta của Lorca” để có thể dễ dàng hơn trong việc đọc, hiểu và cảm nhận giá trị của tác phẩm. Chúc bạn bạn học tốt.

Tham khảo:

Văn mẫu: Kết bài phân tích bài thơ đàn ghi ta của lorca

Bài phân tích chi tiết + bài văn mẫu: Soạn bài đàn ghi ta của lorca

Soạn văn 12 tổng hợp tất cả các bài phân tích