Tổng quát nội dung có trong bài viết
Thanh Thảo trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ ca của ông muôn mang trong mình một nét đẹp của sự mới lạ, hiện đại và sáng tạo. Để hiểu rõ hơn về phong cách thơ ca, về chủ nghĩa siêu thực, tượng trưng của Phương Tây mà ông đã sử dụng trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”, các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Tham khảo thêm:
- Chi tiết: Phân tích Đàn ghi ta của Lorca
Dàn ý chi tiết phân tích “Đàn ghi ta của Lorca”
1. Mẫu dàn ý số 1:
1.1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Thảo và bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”
1.2. Thân bài
1.2.1. Ý nghĩa nhan đề của bài thơ và lời đề từ
- Nhan đề “Đàn ghi-ta của Lorca”: Đàn ghi ta là hình ảnh của Lorca và những sáng tạo nghệ thuật của ông – một người nghệ sĩ thực thụ đã dùng lời thơ và tiếng đàn để ngợi ca sự tự do.
- Lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” được trích trong bài thơ “Ghi nhớ”, đây là lời di chúc nổi tiếng của Lorca, nói lên dự cảm không lành về cuộc đời ngắn ngủi cũng như những lý tưởng cao đẹp của ông sẽ không thể hoàn thành, tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương, đất nước Tây Ban Nha và khát vọng cách tân của Lorca.
- Hình ảnh người nghệ sĩ tự do, đơn độc Lorca trong 6 câu thơ đầu.
- Hình ảnh Tây Ban Nha trong 2 câu thơ đầu gợi liên tưởng đến không gian đất nước này với những nét đặc trưng: tiếng đàn truyền thống hay những trận đấu bò tót.
- Hình ảnh “tiếng đàn” đặt cạnh với hình ảnh “bọt nước”: nghệ thuật của Lorca lung linh như bọt nước, nhưng lại có thể dễ dàng vỡ tan bất cứ lúc nào, đó cũng chính là số phận ngắn ngủi của Lorca.
- “áo choàng đỏ gắt”, gợi lên hình ảnh đấu trường, cuộc đấu tranh gay gắt, kịch liệt giữa một bên là khát vọng tự do, một bên là bọn phát xít độc tài
- Trong cuộc đấu tranh ấy, Lorca như một người hùng đơn độc bước đi trên hành trình đấu tranh cho sự tự do với vũ khí là nghệ thuật và lòng yêu tự do.
- Chuỗi “li la li la li la”: đây có thể là âm thanh của tiếng đàn, cũng có thể là hình ảnh của những vòng hoa li – la (tử đinh hương) nơi thảo nguyên Tây Ban Nha.
1.2.2. Cái chết đầy oan khuất và bi phẫn của Lorca (12 câu thơ tiếp theo)
- “Tây Ban Nha”, “hát nghêu ngao”: hình ảnh của người nghệ sĩ Lorca say sưa với ca từ ngợi ca sự tự do trên quê hương.
- “bỗng kinh hoàng”, “áo choàng bê bết đỏ”: một cái chết bi thảm đột ngột ập đến với Lorca. Cái chết ấy đã khiến cả “Tây Ban Nha” “kinh hoàng” bởi bọn phát xít độc tài đã giết chết một người hùng đấu tranh cho sựu tự do, dân chủ của đất nước Tây Ban Nha.
- “Lorca bị điệu về bãi bắn”, “chàng đi như người mộng du”: hình ảnh đầy hiên ngang của Lorca khi cận kề cái chết, chàng vẫn say mê với những cách tân nghệ thuật chân chính.
1.2.3. Hình ảnh tiếng đàn ghita
- Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, kết hợp với từ ngữ, hình ảnh độc đáo.
- “tiếng ghita nâu bầu trời cô gái ấy”: màu nâu chính là màu của vỏ đàn, của đất đai quê hương, là màu của làn da, mái tóc, đôi mắt của cô gái. Câu thơ là hình ảnh ẩn dụ về tình yêu thương.
- “tiếng ghi ta lá xanh”: thể hiện sức sống mãnh liệt của nghệ thuật.
- “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”: sự lung linh nhưng rất mong manh của nghệ thuật cũng như cuộc đời người nghệ sĩ.
- “tiếng ghi ta ròng ròng/ máu chảy”: một cái chết đầy bi thảm, đau đớn của nghệ thuật, thể hiện sự phẫn uất tột độ với chế độ phát xít độc tài và sự thương xót với người nghệ sĩ.
1.2.4. Sự vĩnh hằng của nghệ thuật, sự bất tử của Lorca
- “không ai chôn cất … như cỏ mọc hoang”: có thể hiểu không ai có thể vượt qua được nghệ thuật của Lorca, không ai bước tiếp trên hành trình cách tân mà bị bỏ “hoang” nghệ thuật. Mặt khác, cũng có thể hiểu, đó là sự bất diệt của nghệ thuật chân chính, dù Lorca đã chết nhưng nghệ thuật của chàng vẫn sinh sôi, phát triển.
- “giọt nước mắt”: sự tiếc thương, “vầng trăng”: niềm tin nghệ thuật, dù là ở nơi tối tăm sâu thẳm nhất thì tâm hồn trong sáng của người nghệ sĩ vẫn soi tỏ cho thế hệ sau.
- Lorca mất “đường chỉ tay đã đứt”, chàng đã giã từ cuộc đời hữu hạn để đến với thế giới vô hạn bằng phương tiện “chiếc ghi ta” – nghệ thuật.
- “ném lá bùa”, “ném trái tim”: như là sự giải thoát của Lorca sau khi chết. Người nghệ sĩ chân chính ấy ý thức được “cái chết” của bản thân là để cho nghệ thuật được tái sinh mạnh mẽ, để thế hệ sau tiếp tục cách tân.
- “li la li la …”: tiếng ghi ta bất tử dù cho người nghệ sĩ đã chết, có thể đó là vòng hoa tử đinh hương viếng linh hồn Lorca.
1.3. Kết bài
Tổng quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ “ Đàn ghita của Lorca” và nêu cảm nhận chung.
2. Mẫu dàn ý số 2:
2.1. Mở bài
Tóm tắt sơ lược về tác giả Thanh Thảo và tác phẩm “Đàn ghita của Lorca”.
2.2. Thân bài
2.2.1. Ý nghĩa nhan đề của bài thơ và lời đề từ
- Nhan đề “Đàn ghi-ta của Lor-ca” mang ý nghĩa biểu tượng cho những cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ đa tài.
- “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” lời đề từ của bài thơ cũng chính là lời di chúc nổi tiếng của Lor-ca, nói lên những dự cảm không lành về cuộc đời ngắn ngủi cũng như những lý tưởng cao đẹp sẽ không thể hoàn thành, tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương đất nước Tây Ban Nha và khát vọng cách tân nghệ thuật của Lor-ca.
2.2.2. Hình ảnh Tây Ban Nha và người nghệ sĩ thiên tài Lorca trong 6 câu thơ đầu
- Hình ảnh Tây Ban Nha
- Hình ảnh Tây Ban Nha hiện lên không chỉ trong 6 câu thơ đầu mà còn xuyên suốt cả bài thơ với chuỗi hợp âm “li-la li-la li-la” cùng với hình ảnh tiếng đàn ghi-ta “bọt nước”, tiếng ghi-ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh,…
- Gợi sự liên tưởng về một quốc gia xinh đẹp và phóng khoáng với hình ảnh những ca sĩ dân gian đang say sưa ca hát bên cây đàn, những vũ nữ Di-gan cháy bỏng trong vũ khúc Flamenco, hay với loài hoa li-la với sắc tím dịu dàng, những trận đấu bò tót gay cấn của các dũng sĩ áo đỏ, hình ảnh những kỵ sĩ với lý tưởng cao đẹp “trên yên ngựa mỏi mòn” với “vầng trăng chếnh choáng”.
=> Bức phông nền tuyệt vời để làm nổi bật lên hình ảnh của người anh hùng, nghệ sĩ Lorca.
- Hình ảnh của Lorca
- Hình ảnh người nghệ sĩ hiện lên trong hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước”, gợi ra sự nghiệp làm nghệ thuật đầy nổi trội của Lor-ca, cũng như chỉ tiếng lòng, tâm hồn và cả cuộc đời của người nghệ sĩ.
- “bọt nước” biểu trưng của những cái đẹp lung linh, nhưng dễ dàng tan biến vào hư vô => nói lên khát vọng được dâng hiến tài năng cho cuộc đời, liên tưởng về một cuộc đời đẹp đẽ nhưng quá ngắn ngủi, mỏng manh và đơn độc của người nghệ sĩ.
- “Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”: lấy hình ảnh của Lor-ca lên làm biểu tượng cho cả một quốc gia một dân tộc, là sức mạnh anh hùng nắm giữ sứ mệnh cao cả, vừa đấu tranh với nghệ thuật già nua, cũ kỹ vừa đấu tranh với nền phát xít độc tài trên quê hương.
- “đi lang thang về miền đơn độc”, “với vầng trăng chếnh choáng”, “trên yên ngựa mỏi mòn” => thể hiện sự cô đơn, mệt mỏi, cũng mang một phong thái tự do, phóng khoáng của người nghệ sĩ trên bước đường thực hiện lý tưởng.
- Hình ảnh người nghệ sĩ hiện lên trong hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước”, gợi ra sự nghiệp làm nghệ thuật đầy nổi trội của Lor-ca, cũng như chỉ tiếng lòng, tâm hồn và cả cuộc đời của người nghệ sĩ.
2.2.3. Cái chết đầy bi tráng của Lorca được tái hiện trong 12 câu thơ tiếp theo
- Cái chết bi tráng của Lorca
- Sử dụng thành công nghệ thuật đối lập tương phản để khắc họa cái chết đầy bi thảm của Lor-ca.
- Nêu lên sự đối lập giữa sự sống và cái chết:
- “Tây Ban Nha”, “hát nghêu ngao”: hình ảnh của người anh hùng Lor-ca lạc quan, yêu đời, vui sống.
- “bỗng kinh hoàng”, “áo choàng bê bết đỏ”: cái chết đột ngột đau thương và bạo lực kinh hoàng.
- Đối lập ở sự cảm nhận của chính người nghệ sĩ cũng như của tác giả về cái chết ập tới.
- “Lor-ca bị điệu về bãi bắn” một ấn tượng nặng nề, trĩu nặng về cái chết
- “Chàng đi như người mộng du” một thái độ bình tĩnh, đầy bản lĩnh của người nghệ sĩ khi lấy lại được sự chủ động đi từ cõi sống đến cõi bất tử muôn đời.
- Sự bất tử và sự nối dài sự sống tinh thần:
- Sự sống bất tử của người nghệ sĩ được thể hiện qua hình ảnh tiếng ghi ta lan tỏa, tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ âm thanh của tiếng đàn vô hình trở thành có hình dạng, màu sắc.
- “tiếng ghi-ta nâu” chính là màu của đất – của quê hương, là màu của chiếc đàn – biểu trưng cho nghệ thuật Tây Ban Nha, và còn là màu da, màu mắt, màu tóc của những con người trên mảnh đất mà Lor-ca đã hết lòng tranh đấu.
- “bầu trời” là tượng trưng cho niềm khao khát khung trời tự do, là lý tưởng cao đẹp của tác giả.
- “cô gái ấy”: là người tình thủy chung đem đến cho người nghệ sĩ một động lực đấu tranh không mệt mỏi.
- “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”: biện pháp ẩn dụ nói về cuộc đời tươi trẻ của Lorca và sự tiếc nuối của tác giả khi nó đột ngột kết thúc quá sớm.
- “Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan”: là vẻ đẹp của người nghệ sĩ, sự hủy diệt, vỡ tan của một vẻ đẹp mong manh và sự kết thúc của một cuộc đời thiên tài.
- “Tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”: là nỗi đau đớn uất nghẹn, mang cảm giác tuôn trào không dứt, nó vừa biểu trưng cho vết thương không thể cầm máu trong lòng những người ở lại, vừa là sức sống bất diệt, rực rỡ của người nghệ sĩ trong lòng mỗi người dân Tây Ban Nha.
- Sự sống bất tử của người nghệ sĩ được thể hiện qua hình ảnh tiếng ghi ta lan tỏa, tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ âm thanh của tiếng đàn vô hình trở thành có hình dạng, màu sắc.
2.2.4. Những suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và cách ra đi của người nghệ sĩ thiên tài trong 13 câu thơ cuối.
- Sự bất tử của Lorca:
- “Tiếng đàn” của Lor-ca chính là biểu tượng của nghệ thuật, là lý tưởng tranh đấu của người nghệ sĩ mà bọn phát xít phản động không bao giờ có thể chôn vùi.
- “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” thể hiện sức sống mãnh liệt tiềm tàng, sự bất tử vĩnh hằng của người nghệ sĩ – chiến sĩ Lor-ca.
- Sự đối lập đã làm nổi bật lên chân lý ánh sáng của nghệ thuật và lý tưởng không thể bị vùi lấp bởi cái tàn bạo, tối tăm và độc ác:
- “vầng trăng”: vẻ đẹp lý tưởng vĩnh hằng, “giọt nước mắt”: sự thương tiếc, đau đớn không chỉ của nhân loại, mà còn là của cả vũ trụ dành cho người nghệ sĩ quá cố.
- “đáy giếng”: là nơi tối tăm lạnh lẽo, nơi mà xác của Lor-ca bị phi tang, thể hiện sự độc ác, tàn bạo của chế độ độc tài không phát xít.
2.2.5. Quy luật cuộc sống
- “đường chỉ tay đã đứt”: là định mệnh, sự chảy trôi, sự hữu hạn của đời người.
- “dòng sông rộng vô cùng”: sự vô hạn của cuộc đời và vũ trụ.
- “Lor-ca bơi sang ngang trên chiếc ghi-ta màu bạc”: sự phá vỡ nguyên tắc, vượt qua những dòng chảy thông thường nhờ tài năng nghệ thuật thiên tài rực rỡ của Lor-ca.
2.2.6. Cách ra đi của người nghệ sĩ Lorca
- “ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước”: đầy dứt khoát, thể hiện sự chủ động vứt bỏ đi sự bảo vệ sinh mạng sẵn sàng đối mặt với hiểm họa, trở thành người hiệp sĩ với tấm lòng đầy kiêu hãnh.
- Chủ động vứt bỏ đi cả sự sống “trái tim mình” trong lãng quên, trong âm thầm để dọn đường cho hậu thế, cho những con người sau vươn lên và tỏa sáng, thể hiện một tấm lòng cao thượng bậc nhất của người anh hùng, người nghệ sĩ Tây Ban Nha.
3.3. Kết bài
Tổng quát giá trị nội dung, nghệ thuật và nêu cảm nhận về bài thơ.
Sơ đồ tư duy bài đàn ghita của lorca
Soạn văn đàn ghi ta của lorca – Bài văn mẫu
Phân tích bài đàn ghita của lorca
(Bài văn mẫu số 1)
Thanh Thảo là cây bút có phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo trong nền văn học Việt Nam. Ông là nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với giọng thơ mang đậm cái tôi cá nhân, những sáng tác của ông đã thổi vào thơ ca hiện đại những hơi thở vô cùng mới lạ. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông đó là bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” được trích trong tập “Khối vuông rubik“. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Lorca là một cái tên rất đỗi thân quen với đất nước Tây Ban Nha. Ông gắn liền với biểu tượng của sự tự do, biểu tượng của sự đấu tranh vì hòa bình và vì cuộc sống bình yên cho mọi nhà. Lorca đồng thời cũng là một người nghệ sĩ vô cùng tài hoa. Chính vì thế, ngay cả khi Lorca đã ra đi, ông vẫn mãi mãi là cái tên người dân Tây Ban Nha tôn thờ.
Thanh Thảo đã mượn lời di chúc của Lorca để làm lời đề từ cho bài thơ của mình: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn“. Những lời di nguyện thiêng liêng của người nghệ sĩ sẵn sàng hy sinh vì nghệ thuật và cuộc đời đã mở ra chiều dài và chiều sâu của không gian lẫn thời gian. Từ đó tôn vinh, ngợi ca sự cống hiến và chiến đấu của Lorca. Đồng thời cũng tạo ra cuộc hội ngộ kỳ ba với giữa Lorca và hồn thơ của Thanh Thảo, khơi nguồn cảm xúc cho bài thơ này.
Bài thơ mở đầu với những câu thơ mang âm tiết ngân vang như một khúc nhạc.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chuếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Thể thơ tự do cùng với nhịp thơ nhẹ nhàng, dàn trải và giàu sức gợi tả. Kết hợp với cách diễn đạt không viết hoa chữ cái đầu dòng đã tạo lên dòng cảm xúc liền mạch dường như không có điểm dừng. Để rồi từ đó, tác giả đã vẽ lên trước mắt người đọc khung cảnh về một đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Nơi ngân nga những tiếng đàn ghi ta khiến lòng người say đắm. Nơi diễn ra những trận đấu bò tót gay cấn rực lửa. Nơi có những những cánh đồng, những thảo nguyên mênh mông, lãng mạn.
Tuy nhiên, với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác qua hình ảnh “tiếng đàn bọt nước” đã gợi lên sự biến ảo khó lường. Phập phồng thổn thức, như có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Nó như một dự cảm về điều chẳng lành, ngập tràn sự bất an. Màu áo choàng “đỏ gắt” theo ngay sau tiếng đàn ấy chính là câu trả lời.
Đấu trường bò tót phải chăng đó chính là biểu trưng cho đấu trường chính trị ngột ngạt, căng thẳng và đẫm máu ở Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Màu áo choàng “đỏ gắt” phải chăng chính là chế độ phát xít độc quyền đang thiêu đốt tự do dân chủ? Lorca bỗng trở lên cô độc, lẻ loi và vô cùng mệt mỏi trong cuộc chiến sinh tử này.
Tiếng đàn “li-la li-la li-la” bỗng nhiên vang lên đầy trong trẻo, mang theo hương thơm dìu dịu của những bông hoa li la tràn ngập sức sống giữa khung cảnh chết chóc. Đấu trường đầy sự khốc liệt cũng không thể vùi lấp sự thăng hoa của nghệ thuật. Người nghệ sĩ ấy đang bước đi trong hành trình “lang thang về miền đơn độc” cùng với “vầng trăng – yên ngựa“. Lorca đã hiện lên với dáng điệu “chuếnh choáng“, trong cơn say của sự sáng tạo, cách tân nghệ thuật. Đồng thời cũng đang “mỏi mòn” chống lại những tộc ác của bè lũ Phờ-răng-cô. Nhưng cũng trong hành trình ấy, người nghệ sĩ lại phải đối mặt với sự cô đơn, cô độc, không một ai bên cạnh.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du“
Những hình ảnh thơ đã gây một ấn tượng mạnh, nó như cứa sâu vào lòng người sự đau đớn, xót xa cho người nghệ sĩ vô cùng tài hoa mà bất hạnh. Thanh Thảo đã thốt lên trong sững sờ. Cả dân tộc Tây Ban Nha “bỗng kinh hoàng” và sửng sốt khi Lorca bị điệu về bãi bắn. Phát súng của bọn phát xít man rợ kia đã giết hại Lorca. Hành trình của Lorca còn đang dang dở. Sự đối lập giữa niềm tin đầy sự lạc quan “hát nghêu ngao” với một sự thật phũ phàng “áo choàng bê bết đỏ” càng thêm nhấn mạnh hình ảnh đầy bi thương của Lorca.
Tuy nhiên, khi phải đối mặt với cái chết, Lorca vẫn bình thản và chấp nhận. “chàng đi như người mộng du”, bước đi trong phong thái rất tự nhiên và đáng ngưỡng mộ. Tâm hồn và tinh thần của Lorca như đã hòa vào cả cuộc tranh đấu. Bước chân của người mộng du đã hóa thành bước chân của người anh hùng, không sợ hãi, không bàng hoàng.
Bè lũ phát xít có thể hủy diệt được thân xác của người nghệ sĩ nhưng mãi mãi không thể dập tắt được sức mạnh tâm hồn Lorca hòa trong những tiếng Ghita nồng nàn:
“tiếng ghi -ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi -ta lá xanh biết mấy”
Điệp khúc “tiếng ghi ta” lặp đi lặp lại một cách dồn dập như đè nén cảm xúc. Hay đó là nỗi bàng hoàng căm phẫn. Tiếng ghi ta biến đổi không ngừng, giọt này vỡ đi thì giọt kia lại trào ra. Nó mang trong mình một sức sống mãnh liệt không bao giờ dứt. Nó đã chuyển từ màu nâu trầm tĩnh suy tư của cây đàn, của đất đai sang màu xanh của “bầu trời cô gái ấy” rồi “tiếng ghita lá xanh biết mấy“. Từ sự thủy chung lại hóa thân sang thiên nhiên cỏ cây ngập tràn sức sống. Những thứ vô cùng bình dị, giản đơn, thiên nhiên tươi đẹp, bầu trời tự do. Có lẽ đó chính là những thứ mà con người Tây Ban Nha muốn vươn tới, muốn giành lại. Nhưng:
“tiếng ghi -ta tròn
bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng máu chảy“
Một hiện thực đau lòng, tiếng ghi ta “vỡ tan” thành “bọt nước”. Âm thanh “vỡ tan” đã cất lên đầy đau đớn. Tiếng ghi ta ấy đã vang lên để tố cáo những tội ác của chế độ độc tài phát xít, nó chứa đựng nỗi căm phẫn và bóp nghẹt của những con người đang phải chịu áp bức. Nhưng, tội ác một lần nữa đã nghiền nát nó. Nghệ thuật tan vỡ nghìn mảnh nhỏ như tạo thành dòng máu chảy ròng ròng, đau đớn đến tê dại.
Với ngòi bút đầy tài hoa trong nghệ thuật, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian bất tử và tràn đầy sức sống mãnh liệt:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng“
Không phải “không ai chôn cất tiếng đàn” mà là không ai có thể chôn cất được tiếng đàn. Bởi lẽ, tiếng đàn ấy chính là sản phẩm tinh thần, là nghệ thuật kết tinh từ tâm hồn của người nghệ sĩ. Nó tràn lan rồi đọng lại khiến người ta đắm say và mê mỏi. Nó mang một sức sống mãnh liệt và hoang dại như cỏ mọc hoang, không gì có thể ngăn nổi. Đó là sự vĩnh hằng, sự bất tử của nghệ thuật. Dù Lorca đã hy sinh nhưng âm nhạc mà ông tạo ra, sản phẩm mà ông để lại vẫn mãi trường tồn, không bao giờ biến mất. Không ai có thể hủy diệt được. Những bài ca về sự tranh đấu của Lorca sẽ mãi ngân vang trong trái tim của tất cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
“Giọt nước mắt vầng trăng” một hình ảnh gợi lên nhiều liên tưởng thú vị. Đó phải chăng chính là vẻ đẹp của nghệ thuật được phản chiếu bởi sự cống hiến và hy sinh, của sự lao động và sáng tạo nghệ thuật chân chính. Người nghệ sĩ đã phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, mất bao nhiêu thời gian công sức mới có thể mài giũa thành hình viên ngọc thơ ca sáng lấp lánh. Nó là vẻ đẹp của nghệ thuật và cũng là lời ngợi ca vẻ đẹp cuộc đời của Lorca lung linh tỏa sáng như viên ngọc quý. Sự tối tăm, u ám, lạnh lẽo nơi đáy giếng cũng không thể nào vùi lấp được ánh sáng bất diệt tỏa ra từ linh hồn của Lorca.
Hiểu được điều đó, Thanh Thảo đã gửi gắm những suy tư và chiêm nghiệm về cuộc đời và sự giải thoát của Lorca trong khổ thơ khép lại bài thơ :
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la”
Thời điểm “đường chỉ tay đã đứt“, cũng là lúc sinh mệnh chấm dứt. Lorca dường như đã lường trước được điều này, biết trước được cái chết đang đến gần. Chàng quyết định rũ bỏ mọi vướng bận để trở về với cõi vĩnh hằng, rũ bỏ mọi đau thương, mất mát để trở về với “lặng yên bất chợt“. Dòng sông vô hình kia có lẽ chính là dòng chảy của cuộc đời, của số phận và là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Lorca mang theo mình cây đàn ghi ta màu bạc, là màu của sự hư ảo trong cõi vĩnh hằng. Đó là sự giải thoát mà Lorca đã lựa chọn. Chàng ra đi, để lại âm thanh “li-la li-la li-la” vang vọng mãi, như ngân lên khúc nhạc tiễn đưa chàng với nỗi tiếc thương vô hạn.
Có thể nói, với lối thơ độc đáo không viết hoa đầu dòng đặc biệt này cùng với nhiều biện pháp nghệ thuật linh hoạt, Thanh Thảo đã mang đến cho bài thơ một mỹ cảm hiện đại vô cùng sáng tạo. Sự hòa quyện của yếu tố siêu thực cùng với phong cách thơ Thanh Thảo đã làm lên thành công của một bài thơ giàu chất nhạc. Để rồi từ đó, ông đã xây dựng thành công hình tượng Lorca tuyệt đẹp. Đó là tượng đài của một nghệ sĩ tài hoa nhưng bất hạnh. Cả cuộc đời đã cống hiến hy sinh vì nghệ thuật và tự do, trở thành một người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất.
“Đàn ghi ta của Lorca” thực sự là một bài thơ độc đáo và đầy ám ảnh. Qua việc tái hiện lại cuộc đời bi tráng của Lorca và những giá trị nghệ thuật được gửi gắm, dù cho thời gian có trôi đi, bài thơ vẫn mãi là một viên ngọc sáng của nền văn học Việt Nam.
Phân tích đàn ghita của lorca
(Bài văn mẫu số 2)
Tâm hồn của người nghệ sĩ vốn tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, cho dù có xa về khoảng cách địa lí, rào cản văn hoá thì họ vẫn có thể tìm thấy sự đồng cảm trong nhau. Trước cái chết đầy bi thương gây chấn động cả lịch sử nhân loại của Lorca, Thanh Thảo đã chắp bút và viết lên bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”. Bài thơ như tiếng nhạc gẩy lên du dương và tha thiết tiễn đưa người nghệ sĩ đa tài ấy về chốn cực lạc, thoát khỏi sự éo le số phận, rời xa cái xã hội bất công độc tài lúc bấy giờ ở Tây Ban Nha. Vẫn là ngòi bút xuất sắc đầy sự nhiệt huyết ấy và lòng trăn trở trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội, Thanh Thảo đã khiến người đọc cảm nhận được sự xót thương, sự căm phẫn đến tột cùng với chế độ xã hội đầy rẫy sự bất công đã đẩy con người vào chỗi bi kịch không lối thoát.
Thanh Thảo sinh năm 1946, tên thật là Hồ Thành Công, là người con của quê hương Quảng Ngãi. Ông là một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ông có rất nhiều bài thơ hay và được công chúng biết đến rộng rãi như: “Những người đi tới biển”, “Khối vuông ru-bích” hay “Những ngọn sóng mặt trời”. Thơ của ông mang một tiếng nói riêng, luôn tìm tòi những điểm mới khác biệt, nỗ lực cách tân nghệ thuật, ông chối bỏ những lối thơ văn dễ dãi, lạc hậu và cũ kỹ. Tuy nhiên, bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” còn mang một màu sắc khá trừu tượng, có nhiều hình ảnh siêu thực gây khó hiểu cho người đọc, nhưng không thể phủ nhận cái giá trị to lớn của nó và sự nỗ lực không ngừng nghỉ cách tân thơ việt của Thanh Thảo.
Bài thơ được viết dựa trên cái chết đầy bi thương của Lor-ca, một người nghệ sĩ tài hoa, một trong những ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật của Tây Ban Nha thời bấy giờ. Dù tuổi còn trẻ, nhưng ông đã sớm nhận ra được tội ác, sự tàn độc của bè lũ phát xít, của chế độ độc tài đã đẩy người dân, đất nước Tây Ban Nha rơi vào cảnh lầm than, thiếu thốn, tước đi quyền được tự do, hạnh phúc và đẩy đất nước rơi vào bầu trời chính trị u ám, không lối thoát. Trước lẽ đó, người nghệ sĩ thiên tài Lorca đã dùng tài năng thiên bẩm của mình để cất lên tiếng hát, tiếng đàn, lời thơ ca ngợi sự tự do và phản đối chế độ phản động, đòi lại công bằng cho nhân dân. Tiếc thay, ở cái tuổi 38 còn bao hoài bão, bao khát khao to lớn chưa được hoàn thành thì ông bị sát hại, cái chết ấy đã gây lên cơn chấn động, gieo nỗi bàng hoàng không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn trên toàn thế giới. Thanh Thảo viết nên bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” như một lời chào vĩnh biệt, dựng lên một tượng đài về người nghệ sĩ tài ba, người anh hùng bất diệt, hiên ngang, sừng sững trước kẻ thù. Mở đầu bài thơ là lời đề tự “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” – đây là một lời di chúc rất nổi tiếng của Lorca, không là gì khác ông chỉ cần cây đàn, ngay cả khi đã ra đi, có thể thấy cây đàn có ý nghĩ to lớn như thế nào đối với ông, ông coi nó như là một người bạn đồng hành chứa đựng bao nỗi niềm tâm tư của mình. Hiểu được lẽ đó, Thanh Thảo đã rất trân trọng đặt câu thơ ấy làm đề từ cho bài thơ của mình khiến cho người đọc thêm phần thương tiếc, đồng cảm cho số phận đầy nghiệt ngã của người anh hùng bạc mệnh.
Mở đầu bài thơ là tiếng đàn ồn ã, vui tươi, đầy rạo rực biểu trưng cho tâm hồn phóng khoáng và yêu đời của Lorca. Đây cũng là một hình ảnh tượng trưng cho đất nước, cho truyền thống dân tộc Tây Ban Nha, là hình tượng trung tâm xuyên suốt của bài thơ:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Tác giả đã dùng hình ảnh “tiếng đàn” với “bọt nước” gợi cho ta cảm nhận về tiếng nhạc ấy rất mỏng manh, nhẹ nhàng và du dương, lúc tồn tại khi tan biến. Người anh hùng áo mang choàng “đỏ gắt” màu sắc chói chang của những kỵ sĩ đấu bò tót – đây là một hình ảnh biểu trưng của Tây Ban Nha. Tác giả đã khéo léo lồng ghép vào để người đọc có thể liên tưởng tới một người anh hùng với lòng dũng cảm, yêu tự do, sẵn sàng đối đầu với những nguy hiểm phía trước, một cuộc chiến không cân sức giữa một con người nhỏ bé và những con bò đầy hung hãn. Thế nhưng, Lorca không phải là một kỵ sĩ đấu bò tót một mình một gươm, một giáo chế ngự chúng, mà ông phải chiến đấu một mình đơn độc với cả một chế độ độc tài chính trị phát xít Phơ – răng – cô. Hình ảnh siêu thực “vầng trăng chếnh choáng” , là một vẻ đẹp thiên nhiên nhẹ nhàng được tác giả kết hợp với từ láy “chếnh choáng” đã tạo cho ta cảm giác chơi vơi, lạc lõng. Có phải chăng người anh hùng ấy đang cảm thấy mất phương hướng, thấy cô đơn, mệt mỏi trên chặng đường của mình, và “yên ngựa mỏi mòn” cần được nghỉ ngơi, cần được có thêm những người bạn đồng hành trên hành trình đấu tranh giành lại công lý. Xen giữa những câu thơ Thanh Thảo đã đưa vào một câu hát “li-la li-la li-la”, nó như tiếng nhạc cất lên giữa hành trình thật êm ái, xoa dịu đi sự trống trải, mệt mỏi kia, cho dù đó có là một “miền đơn độc” thì Lorca vẫn không hề tỏ ra nhụt chí hay chùn bước, ông vẫn đi theo lý tưởng khát khao của trái tim mình. Ở khổ thơ này, tác giả dùng một loạt các từ láy “lang thang”, “chếnh choáng”, “đơn độc”, “mỏi mòn” làm tăng sức gợi hình gợi cảm. Đó là một khung cảnh được bao chùm bởi sự u ám, bế tắc và mệt mỏi khiến cho người đọc có thể thấy được cái vẻ đẹp của người nghệ sĩ đa tài, trước một hoàn cảnh đầy khắc nghiệt như thế nhưng ông vẫn hiên ngang vững bước, không hề từ bỏ, vẫn dấn thân và sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, vì sự tự do của dân tộc.
Tiếp nối những câu thơ đầy sự phóng khoáng tự do, Thanh Thảo đã đưa người đọc đến với những cảm xúc bàng hoàng, đau xót ở khổ thứ hai và ba của bài thơ:
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”
Tiếc thương thay, một chàng trai đang ôm ấp biết bao lý tưởng hoài bão phải chấp nhận một cái chết oan ức đau đớn đầy bi kịch. Bị điệu về nơi pháp trường chàng trai ấy bước đi vô định như “người mộng du”, không phải là vì sợ hãi trước cái chết mà đó là cả sự bất lực trong tâm hồn, chàng thấy tiếc nuối cho cuộc đời, cho những lý tưởng cao đẹp của mình chưa hoàn thành xong. Người anh hùng “hát nghêu ngao” ngày nào nay bỗng chốc bị sát hại, màu đỏ của áo choàng nay đã nhuốm thêm màu máu đỏ tươi của người nghệ sĩ bạc mệnh Lorca. Đó là một cái chết vô cùng thương tâm, nó phản ánh, tố cáo tội ác tàn bạo của thế lực độc tài phát xít lúc bấy giờ. Hình ảnh tiếng đàn một lần nữa lại xuất hiện, nhưng lần này dồn dập hơn, da diết cao trào và xoáy sâu vào nội tâm nhân vật. Điểm mới trong phong cách của Thanh Thảo, ông không miêu tả âm thanh của tiếng đàn hay tuyệt hảo hay tiếng đàn ấm áp trầm bổng mà lại dùng một tính từ chỉ màu sắc để gợi tả nó đó là màu “nâu”. Một màu thuộc gam trầm, không chói loá cũng không lạnh lẽo u sầu. Đây là màu của đất, của thân gỗ cổ thụ, gợi cho ta cảm nhận được tiếng đàn rất mộc mạc, chân thành, có chút gợn buồn và hơn thế tiếng đàn cũng là tiếng lòng người nhạc sĩ. Tác giả đã đưa người đọc qua mọi cung bậc cảm xúc về vẻ đẹp tình yêu, về khát khao hy vọng và về nỗi đau trước cái chết. Nghệ thuật điệp cụm từ “tiếng ghi ta” đã làm tăng sức biểu cảm, gây ấn tượng sâu sắc và ám ảnh, day dứt khôn nguôi trong lòng người đọc. Sau khi bị chúng đưa ra bãi bắn thì chỉ trong tích tắc phút giây kinh hoàng đã ập đến, “ròng ròng máu chảy”, Lorca nằm xuống, tiếng ghi ta cũng vang lên đau xót như chính mình đã chết đi. Tiếng đàn được ví như con người, nó có linh hồn, có trái tim, là một người bạn tri kỷ đang đau xót trước sự ra đi của người nghệ sĩ đa tài.
Tiếng đàn ghi ta “nâu” ngày nào giờ đây đã hoá màu bạc chở linh hồn Lorca bơi sang sông để tìm sự giải thoát. Ở những khổ thơ cuối cùng tiếng đàn ấy vẫn vang lên thánh thót mang theo niềm tin vào sự bất tử:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…”
Tiếng đàn là vô hình thì làm sao có thể “chôn cất”? Nhưng đối với Thanh Thảo tiếng đàn ấy là một vật thể có linh hồn, nó bơ vơ, lạc lõng, lang thang khắp chốn và trở lên hoang dại như ngọn cỏ khi mất đi người bạn tri kỷ nhất của đời mình. Cái chết của Lorca đã làm đất trời phải đau xót tiễn đưa. Tác giả đã một lần nữa sáng tạo ra hình ảnh trừu tượng “giọt nước mắt vầng trăng”, trăng là biểu tượng cho vẻ đẹp dịu dàng của thiên nhiên, nó là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thơ, nhà văn. Thanh Thảo ví vầng trăng như cũng có cảm xúc, biết đau xót và còn rơi những giọt nước mắt xuống nơi đáy giếng, dường như sự ra đi đầy oan ức của Lorca đã khiến cho cả thiên nhiên, đất trời phải rung động, nghẹn ngào tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Giờ đây, người nghệ sĩ ấy có lẽ đã quá mệt mỏi, ông chấp nhận hiện thực với số phận nghiệp ngã của mình. “đường chỉ tay đã đứt” ông đã rũ bỏ lại tất cả để “bơi sang ngang” với người bạn tri kỷ của đời mình, lòng sông rộng lắm nhưng không ngăn được sự can đảm và dứt khoát của Lorca, bởi vì giờ đây ông đã có thêm người đồng hành bên cạnh. Ông đã bỏ lại tình yêu với cô gái Di- gan xinh đẹp, dịu dàng, hình ảnh “ném lá bùa” đó không phải là sự tuyệt tình, lạnh lẽo mà là chàng đã thật sự bất lực, muốn để trái tim được lặng yên và ra đi thanh thản với một tâm hồn không lưu vết bụi trần. Thanh Thảo đã dùng động từ “ném” để tăng thêm sức biểu cảm, là một hành động mạnh mẽ, dứt khoát, không chút do dự. Nhưng câu hát “li-la li-la li-la…” thánh thót vang lên lần cuối với đầy tiếc nuối, đầy khắc khoải như kết thúc một câu chuyện buồn về số phận của người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh.
“Đàn ghi-ta của Lorca” là một bài thơ giàu hình ảnh sáng tạo, mang chất nhạc bay bổng lãng mạn. Tuy được viết theo lối tự do, khoáng đạt nhưng bài thơ vẫn có nét rất đặc sắc giữa vần và nhịp điệu. Tác giả cũng dùng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, từ láy, động từ mạnh… để làm tăng thêm nét biểu cảm và hình ảnh người anh hùng Lorca được khắc hoạ đậm nét trong lòng mỗi người đọc.Tác phẩm đã góp phần lên án, tố cáo sự hung bạo của phát xít dưới nền chính trị độc tài, đẩy nhân dân rơi vào hoàn cảnh lầm than bế tắc, đưa đất nước bao chùm trong u tối, ngột ngạt và đau thương tột cùng. Đồng thời ca ngợi lòng yêu tự do, yêu dân tộc và ý chí kiên cường không khuất phục trước thế lực tàn ác, dám đứng lên đấu tranh để giành quyền tự do cho nhân dân, tự chủ cho dân tộc.
Nhà thơ Thanh Thảo đã viết bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” bằng tất cả tấm lòng và cảm xúc chân thành của mình, tiễn đưa người anh hùng về với miền cực lạc. Qua bài thơ người đọc cũng cảm nhận được sự nỗ lực, sáng tạo bất tận của nhà thơ, ông đã đặt hết tâm huyết, sự khát khao của mình với mong muốn góp phần cải tạo để tiếng Việt thêm phần giàu đẹp, phong phú và đa dạng hơn.
Phân tích bài thơ đàn ghita của lorca
(Bài văn mẫu số 3)
Thanh Thảo nhà thơ của những nỗi suy tư, trăn trở về các vấn đề của xã hội, thơ ông giàu chất suy tư và triết lí. Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lorca” là một trong những bài thơ như vậy. Đây có thể coi là một tác phẩm để đời trong sự nghiệp thơ ca của Thanh Thảo.
Tác phẩm được sáng tác vào năm 1979, nó là sự kết tinh từ niềm thương xót vô hạn cũng như sự cảm phục, trân trọng và ngưỡng mộ của nhà thơ Thanh Thảo dành cho Lorca. Bài thơ đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn trong nền văn học Việt Nam nhờ nội dung mang đầy tính nhân văn và hình thức nghệ thuật thơ hết sức sáng tạo, mới mẻ.
Thanh Thảo đã đặt cho tác phẩm của mình một nhan đề vô cùng giản dị nhưng giàu ý nghĩa. Đàn ghi-ta không chỉ là một nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha mà nó còn được coi là biểu tượng cho nền nghệ thuật ở đất nước này. Còn Lorca là một nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ và là nhà viết kịch nổi tiếng người Tây Ban Nha, là người đã đứng lên khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Với nhan đề này, tác giả đã ngầm khẳng định “Đàn ghi ta của Lor-ca” chính là biểu tượng cho những sáng tạo nghệ thuật của Lorca. Nhan đề như đã hé mở hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ này.
Thanh Thảo đã sử dụng một câu thơ đồng thời cũng là lời di chúc của Lorca trước khi chết để làm lời đề từ cho bài thơ của mình. Lời để từ ấy đã thể hiện tình yêu nghệ thuật say đắm của Lorca. Đồng thời cũng khẳng định tình yêu quê hương đất nước tha thiết của Lorca. Không chỉ có vậy, lời để từ của bài thơ còn thể hiện quan điểm đầy tính nhân văn trong sáng tạo nghệ thuật. Lorca biết rằng những cách tân nghệ thuật của mình đến một lúc nào đó nó sẽ là chướng ngại ngăn cản những người đến sau sáng tạo. Bởi vậy, ông đã căn dặn những thế hệ sau phải biết chôn vùi nghệ thuật của ông để đi tới và bước tiếp.
Mở đầu tác phẩm hình ảnh người nghệ sĩ Lorca xuất hiện cùng với tiếng đàn bọt nước:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây ban Nha áo choàng đỏ gắt”
Tiếng đàn không đơn thuần chỉ là âm thanh của tiếng ghi ta mà nó còn gợi ra một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ và giàu giá trị của Lor-ca, đồng thời đây cũng chính là tiếng lòng của người nghệ sĩ muốn gửi gắm lại cho hậu thế. Hình ảnh bọt nước cũng là một hình ảnh hết sức đặc sắc, gợi ra cái đẹp lung linh, gợi ra sự tan biến vào mênh mông, sự tồn tại mong manh, ngắn ngủi… Chỉ một câu thơ nhưng có tới hai hình ảnh biểu tượng, nó vừa gợi ra vẻ đẹp trong nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, vừa cho thấy số phận mong manh ngắn ngủi và đầy bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài Lorca.
Câu thơ thứ hai đã nhắc trực tiếp đến quê hương của Lorca. Gắn liền với hình ảnh Tây Ban Nha và Lor-ca là hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” mang nhiều nét nghĩa. Trước hết về nghĩa thực, nó như gợi ra nét đặc trưng của đất nước Tây Ban Nha với những trận đấu bò tót nổi tiếng, gay cấn, đẫm máu; nhưng đồng thời cũng gợi nhắc cho chúng ta biết đến tính chất dữ dội của một đấu trường đặc biệt đó là đấu trường chính trị và đấu trường nghệ thuật. Nếu như câu thơ đầu đã gợi ra vẻ đẹp bi kịch cũng như sinh mệnh mong manh ngắn ngủi của người nghệ sĩ, thì câu thơ sau như khắc họa sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Âm thanh của tiếng đàn li la li la vang vọng trong không gian đã đưa người đọc đến với hành trình vươn tới lí tưởng của người nghệ sĩ:
“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Hành trình vươn đến lí tưởng đó là một hành trình hết sức gian nan, chất chứa cả sự cô đơn, đơn độc, không có điểm dừng. Đây cũng chính là hành trình mà Lorca phải đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Hành trình ấy tuy có nhiều khó khăn, vất vảnhưng đó là một hành trình đẹp đẽ. Vầng trăng vốn là biểu tượng của nghệ thuật, điều đó cho thấy cái mà Lorca hướng đến không phải là một cuộc sống xa hoa hưởng lạc, mà là tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt dành cho nghệ thuật. Trên hành trình vươn tới lí tưởng trong một thế giới bạo tàn, độc ác, hình ảnh của Lorca hiện lên vừa đáng ngưỡng mộ lại vừa khiến người đọc không khỏi xót thương.
Không đi sâu vào từng tiểu tiết cuộc đời của Lorca, Thanh Thảo đã nhấn đậm ngòi bút vào cái chết đầy bi tráng của chàng. Bốn câu thơ đầu là sự đối lập giữa sự sống và cái chết:
“Tây Ban Nha
Hát nghêu ngao
Bỗng kinh hoàng
Áo choàng bê bết đỏ“
Sự sống ở đây chính là Tây Ban Nha với điệu hát nghêu ngao cùng không gian phóng khoáng, tự do, Lorca đã hiện lên hết sức đẹp đẽ trong khung ảnh đó. Nhưng phía bên kia lại là một hiện thực kinh hoàng, là cái chết đẫm máu của người nghệ sĩ thiên tài. “bỗng kinh hoàng” cho thấy sự bất ngờ thảng thốt, hốt hoảng, không thể tin rằng Lorca đã bị cái xấu, cái ác bức hại. Cùng với đó là cảm xúc xót thương, căm phẫn đến tột độ. Hình ảnh Lorca đã hiện lên hết sức đáng thương trong bạo lực tàn ác của chế độ độc tài phát xít. “Lor-ca bị điệu về bãi bắn”, đây là kiểu câu bị động với những thanh trắc gợi ấn tượng nặng nề, trĩu nặng về cái chết. Nhưng tới câu “chàng đi như người mộng du” lại là kiểu câu chủ động với những thanh bằng liên tiếp đã cho thấy một hình ảnh Lorca một thái độ vô cùng bình tĩnh, đầy bản lĩnh của người nghệ sĩ khi lấy lại được sự chủ động đi từ cõi sống đến cõi bất tử muôn đời. Lorca đã hi sinh nhưng kẻ thất bại lại chính là bè lũ phát xít kia. Bởi lẽ, chúng chỉ có thể hủy diệt được thân xác của Lorca nhưng không thể hủy diệt được sức sống mãnh liệt của anh. Điệp khúc “tiếng ghi ta” xuất hiện và lặp lại nhiều lần, mỗi một âm điệu vang lên lại mang những ý nghĩa khác nhau. “Tiếng ghi ta nâu- bầu trời cô gái ấy”: Tiếng ghi ta đã tấu lên một khúc ca về tình yêu của Lorca dành cho quê hương, cho nghệ thuật, con người, lí tưởng… “Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”: Tiếng ghi ta đã tấu lên một khúc ca về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Lorca. “Tiếng ghi ta ròng ròng- máu chảy”: Tiếng ghi-ta ấy được đẩy lên đến độ cao trào của sự bi phẫn. “tiếng ghi ta” là một điệp khúc, đều đặn vang lên 4 lần trong nhịp thơ dồn dập, gửi gắm những tình cảm, tâm sự, những nỗi niềm chất chứa của Lorca còn mãi vang vọng với hậu thế, như khẳng định sức sống mạnh mẽ bất diệt của Lorca.
Mười ba câu thơ cuối trong bài thơ là những suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và sự ra đi của người nghệ sĩ thiên tài Lorca. Tiếng đàn ghi ta là biểu tượng của nghệ thuật, là biểu tượng cho lí tưởng đấu tranh vì những điều tốt đẹp của Lorca bởi vậy mà không ai nỡ “chôn cất tiếng đàn”. Cho nên, Thanh Thảo đã so sánh tiếng đàn ấy “như cỏ mọc hoang”, tức là nó có sức sống mạnh mẽ, sức lan tỏa mãnh liệt và bất diệt, không gì có thể ngăn cản nổi. Dù Lorca đã hi sinh nhưng tiếng đàn của ông còn mãi với hậu thế. Cũng chính bởi vậy mà “vầng trăng” dù bị chôn vùi nơi đáy giếng nơi tối tăm, lạnh lẽo vẫn tỏa rạng ánh sáng lí tưởng nghệ thuật không bao giờ bị vùi lấp.
“Đàn ghi-ta của Lor-ca” là một tác phẩm hay, tái hiện lại một cách chân thực và gợi cảm hình tượng người nghệ sĩ thiên tài Lorca, thể hiện tiếng nói tri âm, lòng biết ơn của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ, người chiến sĩ với người chiến sĩ. Đồng thời cũng bộc lộ triết lý về nghệ thuật của Thanh Thảo: Mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và cuộc sống, chính sức sống của nghệ thuật đã làm lên sự bất tử của người nghệ sĩ.
XEM THÊM:
- PHÂN TÍCH BÀI THƠ SÓNG XUÂN QUỲNH
- SOẠN NGỮ VĂN 12 BÀI THƠ ĐÒ LÈN NGUYỄN DUY
- SOẠN NGỮ VĂN 12 BÀI TIẾNG HÁT CON TÀU CHẾ LAN VIÊN
Tổng hợp đầy đủ tất cả các bài soạn văn khối 12