Lợi ích của việc liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022
Năm 2022 dự kiến các trường đại học chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng được các yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo.
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, học viện, đại học, thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021-2022.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu đối với các trường đại học tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới trong công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các cơ sở đào tạo chủ động hợp tác, liên kết để tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng các yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo đồng thời cũng tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải di chuyển tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi.
Bên cạnh đó, tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 cho đến nay và ngày càng đi vào ổn định, để đáp ứng mục tiêu của Kỳ thi, công tác tuyển sinh, ngày càng dễ dàng, giảm tốn kém cho xã hội và giảm áp lực cho thí sinh.
Ngành Giáo dục đang chuẩn bị tiến hành triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT từ năm học 2022-2023. Do vậy, công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm cần được tính toán, xem xét nhằm bảo đảm việc chuyển tiếp Kỳ thi giữa 2 chương trình phù hợp với các mục đích, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sự đổi mới này, một mặt vẫn kế thừa các thành tựu của quá trình đổi mới thi, tuyển sinh trong những năm qua, mặt khác phải tăng cường ứng dụng công nghệ và tiếp thu những kinh nghiệm tốt về công tác khảo thí, tuyển sinh của các nước tiên tiến.
Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2023-2025 sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi từ các bên liên quan và sẽ được công bố vào Quý I năm 2022.
Về việc các trường đại học tổ chức thi sát hạch, tuyển chọn trong tuyển sinh ĐH, CĐ vào năm tới, ông Trinh cho rằng, kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã đem lại sự tin tưởng cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với tinh thần tăng cường tự chủ tuyển sinh đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là một việc cần thiết.
“Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GDĐT khuyến cáo nên xem xét tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT được xem như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch khác, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.
Việc này chỉ triển khai nếu các trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong Đề án tuyển sinh. Tuy nhiên đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Do đó, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Bộ GDĐT khuyến khích các Đại học Quốc gia, trường đại học/nhóm trường, Đại học vùng đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện nhất định để có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và hỗ trợ, chia sẻ cho các trường khác có nhu cầu” – ông Trinh chia sẻ.
XEM THÊM: