Bí quyết ôn thi đánh giá năng lực đại học quốc gia TPHCM

1804
Bí quyết thi đánh giá năng lực đại học quốc gia TPHCM
5/5 - (2 bình chọn)

Bí quyết ôn thi để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực Đại Học Quốc Gia TPHCM

Kì thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học quốc gia TPHCM tổ chức đã thu hút 70 trường đại học, cao đẳng phía Nam sử dụng để xét tuyển. Bài thi gồm 120 câu với thời gian làm bài 150 phút theo hình thức trắc nghiệm.

CẤU TRÚC BÀI THI:

Nội dung Số câu
Phần 1: Ngôn ngữ
 1.1. Tiếng Việt 20
1.2. Tiếng Anh 20
Phần 2: Toán học, khả năng tư duy logic phân tích số liệu
 2.1. Toán học 10
2.2. Tư duy logic 10
2.3. Phân tích số liệu 10
Phần 3: Giải quyết vấn đề
 3.1. Hóa học 10
 3.2. Vật lí 10
3.4. Sinh học 10
3.5. Địa lí 10
3.6. Lịch sử 10

 

Dựa vào đề thi Đánh gia năng lực của ĐHQG TP.HCM năm 2021 rút ra những lưu ý cũng như bí quyết để đạt được điểm cao trong bài thi ĐGNL năm 2022 sắp tới.

Phần 1: Ngôn ngữ

1.1. Tiếng Việt (20 câu)

Đọc đề và xác định từ khóa. Việc này sẽ giúp các bạn định hướng được nội dung câu hỏi và tìm ra đáp án nhanh hơn.

Sử dụng phương pháp loại trừ: Nếu câu hỏi khiến các bạn băn khoăn, không biết lựa chọn đáp án nào hãy dùng phương pháp loại trừ để tìm ra đáp án chính xác.

Học bao quát: Trắc nghiệm đối với bất cứ môn học nào cũng yêu cầu phải học bao quát, phủ rộng và môn Văn cũng vậy. Môn Văn kiến thức sẽ bao gồm cả kiến thức cấp 2 và cấp 3 vì vậy cần học bao quát, kĩ lưỡng đặc biệt là phần tiếng Việt.

Không bỏ trống đáp án: Thi trắc nghiệm là hình thức lựa chọn đáp án đã cho sẵn nên nếu không biết chính xác thì hãy vẫn lựa chọn đáp án mà mình tin tưởng hơn so với các đáp án còn lại.

“Trăm hay không bằng tay quen”: Hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Văn là hình thức khá mới, hướng đến việc kiểm tra mức độ hiểu biết của học sinh. Chính vì vậy để có thể làm quen với hình thức này, các bạn cần luyện tập với nhiều đề thi. Việc luyện đề giúp các bạn có thể khoanh vùng kiến thức và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hơn cho kỳ thi.

1.2. Tiếng Anh (20 câu)

Mỗi đề thi gồm 20 câu hỏi tiếng Anh, xoay quanh các dạng bài: Ngữ pháp, Tìm câu đồng nghĩa, Tìm lỗi sai và Đọc hiểu. Trong đó, dạng ngữ pháp và tìm lỗi sai thường chỉ ở mức độ nhận biết đến thông hiểu, dạng tìm câu đồng nghĩa từ mức độ thông hiểu đến vận dụng, cuối cùng dạng bài đọc hiểu có câu vận dụng thấp đến vận dụng cao để phân loại học sinh.

  • Đối với phần ngữ pháp: đây là những câu hỏi dễ lấy điểm nhất, tập trung vào phần thì của động từ, so sánh hơn, lượng từ. Các câu hỏi thuộc này thường có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, ví dụ: sẽ có trạng từ chỉ thời gian để xác định thì,  hoặc xuất hiện từ “than”, “the most” … Phân tích dấu hiệu nhận biết sẽ giúp làm chính xác các câu hỏi này. Về câu hỏi phần từ loại, hãy học vị trí của từ trong câu và một số dấu hiệu nhận biết từ loại. Ví dụ: đứng đầu câu làm chủ ngữ thường là danh từ, sau danh từ là động từ, các danh từ thường có tận cùng bằng đuôi –tion, -or, -ant, -ness, -ity,…
  • Đối với phần tìm lỗi sai, những kiến thức về đại từ, động từ , tính từ sở hữu đại từ quan hệ & sự hòa hợp giữa chủ ngữ  thường rất đơn giản, luyện đề có lời giải chi tiết nhiều sẽ tiến bộ hơn. Với câu hỏi về mạo từ, nên phân tích những danh từ đứng ngay sau nó và học thuộc các trường hợp bắt buộc dùng “the” và trường hợp không được dùng mạo từ.
  • Đối với phần tìm câu đồng nghĩa, hầu hết các câu hỏi chỉ yêu cầu thí sinh nhận diện cấu trúc đồng nghĩa, do đó, các bạn loại trừ được ngay các đáp án sai cấu trúc trước, sau đó dịch các đáp án có cấu trúc đúng, cuối cùng lựa chọn câu đáp án đúng. Những kiến thức xuất hiện trong phần này gồm: câu điều kiện, động từ khuyết thiếu (câu phỏng đoán), so sánh nhất, câu bị động và câu tường thuật.
  • Đối với phần đọc hiểu, là những câu hỏi về các chi tiết, hỏi tìm từ vựng đồng nghĩa với từ trong bài đọc,  tìm từ thay thế là những câu hỏi rất dễ lấy điểm, chỉ cần tìm từ khóa trong câu hỏi rồi đối chiếu với bài đọc sau đó chọn đáp án có từ khóa trùng với chi tiết có trong bài. Những câu hỏi phân loại sẽ rơi vào câu hỏi tìm ý chính và câu hỏi suy luận. Câu hỏi suy luận phải dựa vào các thông tin trong bài đọc, không được suy luận dựa trên quan điểm, hiểu biết của bản thân.
Điểm xét tuyển đánh giá năng lực 2021
Chi tiết điểm xét tuyển đánh giá năng lực 2021

Phần 2: Toán học, khả năng tư duy logic phân tích số liệu

Phần Toán học là phần quen thuộc nhất với học sinh, kiến thức đều nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 thuộc các chương: Hàm số, Mũ và logarit, Tích phân, Tổ hợp xác suất, Khối đa diện, Số phức …

Phần tư duy logic đây là phần mang đậm nét đặc trưng của đề thi, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của các thí sinh thông qua các dữ kiện, không đánh giá khả năng học thuộc lòng kiến thức.

Phần Phân tích số liệu là phần khá mới trong đề thi. Các câu hỏi dưới dạng biểu đồ, bảng số liệu … Yêu cầu thí sinh quan sát, phân tích và trả lời các câu hỏi.

Vì vậy muốn đạt được điểm cao môn Toán không những cần nắm chắc kiến thức chuyên môn mà còn cần biết vận dụng kiến thức thực tế, có tư duy logic và phân tích số liệu để làm bài.

Mỗi phần sẽ có một đặc thù riêng, để làm tốt và đạt điểm cao trong kỳ thi này, các bạn học sinh cần có những bí kíp sau:

  • Với phần Toán học: Học kỹ toàn bộ kiến thức, đúng trọng tâm vào các phần xuất hiện nhiều trong các đề thi. Cần ôn luyện theo dạng bài, thành thạo phương pháp làm bài. Đặc biệt là biết sử dụng những phương pháp giải nhanh để rút ngắn thời gian làm bài.
  • Với phần Tư duy logic các dữ liệu đề bài cho khá nhiều và liên quan mật thiết đến nhau. Do đó, để làm tốt dạng này, có một số kinh nghiệm được chia sẻ như sau:
    • Các dữ liệu đưa ra khá dài và rối, nên hãy viết lại ngắn gọn lại theo ý hiểu của mình.
    • Suy luận dần từ các giả thiết, những phần đã suy luận được nên viết lại theo sơ đồ cây hoặc bảng.
    • Nên tự phản biện lại suy luận của mình. Đặc biệt để có thể đạt trọn vẹn điểm phần này các em cần rèn luyện thật nhiều để không bị bỡ ngỡ.
  • Cuối cùng là đối với phần Phân tích số liệu: Đề bài thường cho dưới hình thức biểu đồ hoặc bảng số liệu thực tế. Cần quan sát thật kỹ, đọc các số liệu ít nhất là 2 lần để tránh nhầm lẫn, hoặc gạch chân các “key” quan trọng. Các câu này thường ở các dạng xác định nên chỉ cần học và hiểu kỹ công thức là có thể làm được rồi, đây cũng là phần dễ dàng “kiếm điểm”.

Phần 3: Giải quyết vấn đề

3.1. Hóa học

Phần kiến thức môn Hóa (10 câu) bao gồm lớp 10,11,12. Để làm tốt các bạn học sinh cần tập trung vào kiến thức trọng tâm sau:

Kiến thức lớp 10:

  • Chương 1: Tập trung vào dạng bài tập từ cấu hình electron tìm ra vị trí và tính chất tương ứng của nguyên tố đó.
  • Chương 7: Chú trọng dạng bài các yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cân bằng hóa học.

Kiến thức lớp 11:

  • Chương 1: Phần này kiến thức chủ yếu rơi vào điều chế este, thực hành quy trình điều chế và cách thu hồi este. Dạng bài này không có tính toán mà hỏi dưới dạng lý thuyết yêu cầu thí sinh phải nắm chắc kỹ năng thực hành mới làm tốt được. Do đó nếu không học kỹ sẽ dễ bị mất điểm phần này.
  • Chương 3: Trọng tâm ở dạng bài từ công thức đã cho xác định những chất vừa có phản ứng với dd HCl và dd NaOH. Chú ý phần lưỡng tính của các chất.
  • Chương 4: Bài tập tìm công thức phân tử, hợp chất hữu cơ thông qua phản ứng cháy.
  • Chương 5: Kiến thức trọng tâm rơi vào phần điện phân, vì vậy hãy nắm chắc bản chất của quá trình điện phân. Đặc biệt chú ý về thứ tự điện phân tại các điện cực, các ion không bị điện phân bên anot, catot.

3.2. Vật Lý (10 câu)

Các câu hỏi sẽ giống với đề thi THPT Quốc gia. Với các câu này kiến thức không quá khó, nên để làm được những câu này chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và làm nhiều dạng bài tập.

Bên cạnh đó còn có 2 câu hỏi kết hợp theo hướng đưa ra dữ kiện cho thí sinh suy luận, đọc hiểu. Với 2 câu này ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản cần kết hợp linh hoạt với các hiện tượng và ứng dụng trong thực tế. Đặc biệt môn Vật Lý là môn có rất nhiều ứng dụng trong thực tế do đó các hiện tượng xuất hiện trong đề sẽ càng đa dạng và phong phú. Với những câu chỉ dựa vào đoạn văn trong đề để làm, thì cần đọc kỹ, khai thác đúng thông tin và chú ý câu hỏi chọn phát biểu đúng/không đúng để tìm được đáp án chính xác. Còn đối với các câu tính toán các bạn nên hiểu hiện tượng sau đó áp dụng các công thức Vật Lý và các biến đổi toán học là có thể giải quyết được mọi bài.

3.3. Sinh học (10 câu)

Môn Sinh gồm có 10 câu trắc nghiệm thuộc 2 dạng:

  • Câu hỏi đơn lẻ: thuộc các phần sau: ứng dụng di truyền học, chuyển hóa vật chất và năng lượng và di truyền quần thể.

Câu hỏi về Di truyền quần thể có thể sẽ yêu cầu thí sinh tính toán, chú ý ở các dạng: cấu trúc di truyền của quần thể tự thụ hoặc số kiểu gen tối đa, Tính tần số alen…

  • Các câu hỏi ở dạng đọc – hiểu: Đề bài sẽ đưa một đoạn thông tin, thí sinh sẽ phải trả lời 3 câu hỏi có liên quan tới đoạn thông tin này.

Có thể đoạn thông tin này không có trong SGK, nhưng không đánh đố mà là cung cấp thông tin, sau đó thí sinh dùng kiến thức để suy luận và giải thích vấn đề.

3.4. Địa lý (10 câu)

Nội dung kiến thức môn Địa lý thuộc lớp 12 trong đó: 4 câu thuộc phần Địa lý tự nhiên, 6 câu hỏi thuộc phần Địa lý dân cư và ngành kinh tế.

Đề thi sẽ không yêu cầu thí sinh nhớ kiến thức SGK một cách máy móc mà đòi hỏi thí sinh vận dụng những hiểu biết cơ bản về các vấn đề tự nhiên, kinh tế – xã hội, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay.

Phần Địa lý tự nhiên Việt Nam gồm 4 câu: yêu cầu thí sinh hiểu và nắm chắc kiến thức cơ bản: phần vị trí địa lý, 5 đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam, ranh giới tiếp giáp, một số thiên tai và vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay.

Phần Địa lý dân cư và ngành kinh tế, đề sẽ đưa ra các đoạn kiến thức yêu cầu thí sinh đọc và trả lời câu hỏi. Vì vậy phần này sẽ không yêu cầu học thuộc kiến thức. Thay vào đó tập trung tìm hiểu về các sự kiện kinh tế, dân cư đáng chú ý thông qua sách báo, tài liệu Internet…

  • Địa lý dân cư (gồm 3 câu): lưu ý các vấn đề nổi bật về dân số ở nước ta hiện nay như dân số vàng, già hóa dân số, đô thị hóa tự phát, chênh lệch giới tính, thất nghiệp – thiếu việc làm…
  • Địa lý kinh tế (3 câu): chú ý các sự kiện có tác động đến các ngành kinh tế nước ta hiện nay như: ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành du lịch, dịch vụ ăn uống nhà hàng, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thông…Trong nông nghiệp có thể tìm hiểu những khó khăn về thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…(ví dụ: vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long).

3.5. Lịch sử (10 câu)

Ôn tập kỹ kiến thức nền tảng môn Lịch sử lớp 11 và lớp 12 (chủ yếu là kiến thức lớp 12).

Lớp 11:

  • Đối với phần Lịch sử Thế giới: Ôn tập trọng tâm từ bài 9 –17.
  • Đối với phần Lịch sử Việt Nam: Ôn tập trọng tâm từ bài 19 –24.

Lớp 12: ôn tập nội dung trọng tâm ở các bài học: với phần lịch sử Thế giới chú ý ở giai đoạn1945 – 2000, phần lịch sử Việt nam ở giai đoạn 1919 – 2000.

Bí quyết khi ôn thi

  • Hãy ôn tập các vấn đề trọng tâm, không cần quá đi sâu vào các chi tiết nhỏ. Nên xâu chuỗi và liên hệ kiến thức của hai phần lịch sử Việt Nam và Thế giới với nhau. Điều này giúp hệ thống kiến thức, nhớ lâu hơn đặc biệt đó là loại nhanh được các đáp án gây nhiễu khi gặp các câu hỏi liên hệ và các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.
  • Đọc, xác định mức độ câu hỏi và phân chia thời gian làm bài sao cho hợp lý.
  • Vận dụng linh hoạt các phương pháp: Phân tích, đánh giá, so sánh, liên hệ các sự kiện, vấn đề lịch sử để loại nhanh các đáp án gây nhiễu.
  • Ngoài những kiến thức cơ bản, cần liên hệ tình hình thực tế để trả lời các câu hỏi nằm ngoài phạm vi SGK.

XEM THÊM: