Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực 2022 cần những gì?

1590
Cách để làm tốt bài thi đánh giá năng lực
Cách để làm tốt bài thi đánh giá năng lực
5/5 - (1 bình chọn)

Điểm đáng chú ý ở bài thi đánh giá năng lực đó là dựa vào khả năng suy luận và giải quyết vấn đề trên nền tảng các kiến thức được tích lũy thay vì kiểm tra khả năng ghi nhớ bài. Vậy cần gì để làm tốt bài thi đánh giá năng lực 2022?

Lợi thế cho những học sinh có năng lực suy luận logic tốt

Trong năm 2022 nhiều trường đại học tiếp tục tổ chức thi năng lực để tuyển sinh  như: Đại Học Quốc gia Hà Nội, Đại Học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại Học Việt Đức…

Theo Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học cấp bậc đại học của học sinh như: khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề. Về nội dung, bài thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm mục đích đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không chú trọng đánh giá khả năng học thuộc lòng. Chẳng hạn như trong đề thi mẫu năm 2021 đã được công bố có nhiều câu hỏi về các quy luật, mối liên kết giữa các dữ kiện, số liệu chứ không chỉ đề cập thông tin rời rạc đơn lẻ. “Chính vì vậy, những học sinh có năng lực suy luận logic tốt sẽ có lợi thế hơn khi tham gia kỳ thi này”, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho biết.

Nói về kỳ thi TestAS do Trường ĐH Việt Đức tổ chức để tuyển sinh năm 2021, Phó hiệu trưởng nhà trường- tiến sĩ Hà Thúc Viên, cũng có nhìn nhận tương tự. Ông Viên cho rằng một trong những đặc thù của bài thi này đó là không chỉ yêu cầu thí sinh phải có kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực của đề thi mà còn đòi hỏi sự tích lũy và trau dồi kiến thức toàn diện, những kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình học THPT. Đặc biệt trong đó là kiến thức các môn như Anh văn, lý, toán, hóa, sinh…

Theo ông Viên, đây là bài thi đánh giá năng lực đúng nghĩa, để chắc chắn rằng khi vượt qua được kỳ thi này thí sinh có thể theo học thành công một lĩnh vực đào tạo ở bậc ĐH. “Mục đích của kỳ thi TestAS không chỉ để kiểm tra kiến thức mà hơn thế là nhằm tập trung đánh giá các kỹ năng tư duy, suy luận và xử lý vấn đề. Vì vậy, cách chuẩn bị bài thi tốt nhất là tìm hiểu, tiếp cận và tập làm quen với một số đề thi mẫu, làm quen với các dạng đề cũng như tích lũy thêm hiểu biết bên ngoài”, ông Viên khuyên.

Học chủ động, có phản biện và mở rộng kiến thức

Việc tích lũy kiến thức là vô cùng quan trọng để có thể hoàn thành tốt các dạng bài thi năng lực. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, với những học sinh đang học lớp 10 và 11, còn một chặng đường dài chuẩn bị cho kỳ thi này, việc cần thiết nhất là tạo thói quen học chủ động, có phản biện và luôn tìm tòi để mở rộng kiến thức. Chẳng hạn, khi tiếp cận một thông tin nào đó luôn đặt ra câu hỏi vì sao, nhìn vào một bảng số liệu luôn phân tích xu hướng thay đổi của những con số…

“Năng lực suy luận logic không phải có do bẩm sinh mà có thể phát triển qua quá trình rèn luyện. Vì vậy việc chủ động rèn luyện sẽ giúp bản thân có được khả năng này. Nếu tập được thói quen này học sinh sẽ dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của nhiều kỳ thi khác nhau, không chỉ đối với kỳ thi năng lực”, ông Chính chia sẻ.

“Tuy nhiên, với những học sinh chưa thực hiện tốt thói quen học chủ động để tích lũy kiến thức trong thời gian dài, thì cần có chiến thuật tiếp cận khác để có thể trang bị những kiến thức cơ bản. Cụ thể là hệ thống hóa lại các khối kiến thức được đề cập trong đề thi, từ đó tìm ra những quy luật, mối liên hệ giữa các dữ kiện, số liệu rời rạc” ông Chính nói thêm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các thí sinh đạt thủ khoa

Các thủ khoa đã từng đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực có những chia sẻ rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi chuẩn bị cho kỳ thi này.

Trần Công Huy Hoàng – thí sinh từng đạt 1.118/1.200 điểm, là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Theo Hoàng, cách tốt nhất để có thể tích lũy kiến thức là có thói quen đọc và tùy vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực sẽ có những cách đọc khác nhau. Trong đó, hãy cố gắng nắm kiến thức cơ bản trước khi mở rộng kiến thức.

Để nắm vững được kiến thức cơ bản, theo Hoàng, cách đơn giản nhất là đọc lại sách giáo khoa hoặc có thể tìm đọc các sách khái quát lại những nội dung cơ bản từng môn học để dễ dàng tiếp thu hơn (sách này có bán trong các nhà sách). Khi cần mở rộng thêm kiến thức thì tìm các nguồn thông tin hay và phù hợp bên ngoài. Ví dụ với các môn tự nhiên có thể tìm đọc sách nâng cao hay tham gia các nhóm ôn luyện.

Với phần kiến thức xã hội có thể đọc, tìm hiểu trên sách báo, các kênh thông tin thời sự chính thống… “Phần lớn các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực là để kiểm tra kiến thức, nhiều hơn hơn là những bài tập khó. Việc chăm đọc thêm tin tức, cuốn sách bên ngoài sách giáo khoa, lâu lâu sẽ có nhận được những thông tin hay, đọng lại trong đầu và rất có ích cho bài thi”, thủ khoa này chia sẻ.

Nguyễn Phú Nghĩa là thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 với số điểm 1.108/1.200 điểm, cũng có những chia sẻ tương tự. Nghĩa cho rằng ngoài việc học ở trường các bạn nên chủ động tìm thêm các nguồn bên ngoài để học thêm, nhưng vẫn cần bám sát chương trình học. Một trong những kinh nghiệm của thủ khoa này đó là đọc các trang báo tiếng Anh, diễn đàn hoặc website online trao đổi kiến thức về học thuật phù hợp với việc học. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm ra điều khiến mình thích, vui và có hứng thú khi học. Khi học với tinh thần như vậy sẽ cho kết quả tốt hơn”, bạn Nghĩa bật mí.

XEM THÊM: