TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN TOÁN HIỆU QUẢ.

3225
CHI TIẾT CÁCH ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN TOÁN
CHI TIẾT CÁCH ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN TOÁN
5/5 - (2 bình chọn)

Toán học – một môn học “hại não”, “khó nhằn” nhưng lại là môn học bắt buộc và quan trọng đối với các bạn học sinh. Vậy làm thế nào để làm tốt, đạt điểm cao môn học này trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có được câu trả lời cho bản thân nhé.

1. Các giai đoạn ôn thi Đại học môn TOÁN

Quá trình ôn thi được chia ra 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Ôn lại kiến thức nền tảng

  • Giai đoạn này cực kỳ quan trọng trong lộ trình ôn thi Đại học môn toán năm 2022 của các bạn 2k4. Ở giai đoạn này các bạn sẽ chính thức đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho cả một nền tảng kiến thức của mình nó sẽ là tiền đề của quá trình tiếp theo nên hãy thật kiên trì và nỗ lực nhé.
  • Hãy học thật kỹ kiến thức theo các chuyên đề như hàm số, tích phân, thể tích và khoảng cách…Mỗi chuyên đề cần nắm thật chắc những lý thuyết cơ bản từ các định lý, công thức và dấu hiệu nhận biết mỗi dạng.
  • Sau mỗi chuyên đề hãy bắt đầu với những bài tập ở dạng TỰ LUẬN. Rất nhiều bạn trong giai đoạn này chỉ chăm chú vào việc làm thế nào để bấm máy tính hay tìm công thức giải nhanh để rút ngắn thời gian làm bài nhưng bạn nên nhớ rằng mọi công thức giải nhanh đều được bắt nguồn từ những công thức gốc mà ra, còn kỹ năng bấm máy tính chỉ là công cụ thể để tính toán nhanh hơn, việc tư duy vẫn là của các bạn nhé.
  • Học cách tư duy theo hướng tìm ra bản chất, quy luật của mỗi dạng bài vì khi đó các bạn sẽ có sự nhạy bén và có thể tự tìm ra cho mình một lối giải nhanh cũng như kỹ năng bấm máy tính riêng biệt. Đó chính là tiền đề để có thể chinh phục được những câu từ 7 điểm trở lên. Những câu khó hơn thì về cơ bản máy tính và công thức giải nhanh sẽ không còn là điều quá quan trọng nữa.

Giai đoạn 2: Ôn toàn diện – nâng cao kỹ năng làm bài- kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay

  • Sau khi đã nắm vững kiến thức cơ bản ở giai đoạn 1 thì điều tiếp theo cần làm đó là ôn toàn bộ kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao. Bên cạnh đó cần học những phương pháp giải nhanh và kỹ năng bấm máy tính. Ở 30 câu đầu nếu bạn thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính và biết cách áp dụng những công thức giải nhanh thì bạn có thể sẽ giải quyết chúng chỉ trong vòng chưa đến 30 phút.
  • Đây chính là tốc độ yêu cầu nếu bạn muốn đạt được 9 điểm môn toán vì từ những câu tiếp theo chắc chắn sẽ không có bất kỳ công thức giải nhanh nào có thể giúp các bạn làm ra được kết quả đâu.
  • Vì vậy hãy luyện kỹ năng bấm máy tính thật tốt, từ việc khai thác những tính năng như đạo hàm, số phức, giải phương trình, tìm max min cho đến thao tác nhanh chóng và chính xác.
  • Tất cả các công thức giải nhanh được xuất phát từ công thức gốc nên trước tiên hãy học kỹ công thức gốc sau đó biến đổi lại để có bộ công thức giải nhanh.

Giai đoạn 3: Tổng ôn tập + luyện đề

  • Với bước luyện đề hãy bấm giờ làm bài để cảm nhận được sức nóng và áp lực như khi làm bài thi thật. Các bạn sẽ rất dễ mắc phải những sai lầm chắc chắn có thể xảy ra khi thi thật như: Thời gian làm bài quá lâu, gặp dạng bài làm rồi nhưng quên cách làm, bấm nhầm máy tính, hay thậm chí là làm đúng mà chọn sai…
  • Giai đoạn này sẽ là lúc các bạn phải cải thiện toàn bộ những sai lầm trên. Hãy rèn luyện kỹ năng làm bài, phân chia thời gian, tô nhanh tô đúng, làm quen với cấu trúc đề thông qua việc luyện đề thi. Các bạn sẽ phải làm 50 câu trắc nghiệm trong thời gian 90 phút trong đó 30-35 câu đầu thường là câu dễ nên cố gắng chỉ được làm trong vòng 30-35 phút và 15-20 câu sau là những câu để đạt từ 7 điểm trở lên, cần nhiều sự tư duy nên cần dành nhiều thời gian hơn.
  • Như vậy để đạt được 9 điểm trở lên thì bạn phải làm chắc chắn 35 câu đầu và 15 câu sau phải đúng được trên 10 câu. Đây chính là công dụng của luyện đề giúp quá trình ôn thi đại học môn toán hiệu quả hơn vì các bạn sẽ biết được các yếu tố có thể xảy ra khi thi thật và từ đó cải thiện được những thiếu sót.

2. Lộ trình ôn thi Đại học môn Toán

Chi tiết lộ trình ôn thi đại học môn toán
Chi tiết lộ trình ôn thi đại học môn toán

2.1. Lộ trình ôn thi với mục tiêu 5-6 điểm

  • Ôn tập chuyên đề Ứng dụng của tích phân: Ở chuyên đề này hãy nắm vững phương pháp giải của các dạng bài tập, nghiên cứu kỹ các ví dụ mẫu và hoàn thiện các bài tập tự luyện ở từng dạng.
  • Ôn tập chuyên đề Số phức: Học theo 4 chủ đề tương ứng với 4 nội dung của kiến thức, mỗi chủ đề học theo lộ trình.

2.2. Lộ trình ôn thi với mục tiêu 7-8 điểm

  • Ôn luyện lại toàn bộ lý thuyết và các dạng bài xuất hiện nhiều trong đề thi theo từng chủ đề
  • Nắm được các phương pháp giải nhanh và kỹ năng sử dụng máy tính
  • Hãy hoàn thành 5 đề thi với mức 8 điểm: Rèn luyện kỹ năng làm bài (tổng hợp toàn bộ kiến thức trong một đề thi, áp dụng các phương pháp giải nhanh và kết hợp sử dụng máy tính)

2.3. Lộ trình ôn thi với mục tiêu > 9 điểm

  • Bấm thời gian 90 phút khi làm đề và dùng phiếu trắc nghiệm đúng form mẫu để tô đáp án.
  • Note lại những câu chưa làm được và cả những câu/ dạng bài nào thấy hay (dù đã làm được).
  • Thu thập công thức, mẹo giải nhanh, tham gia các group để cùng nhau ôn tập hiệu quả.
  • Học cách bấm máy tính nhanh và chính xác.
  • Tích cực luyện đề, tìm cách giải những bài toán khó trong đề.

3. Kiến thức trọng tâm ôn thi Đại học môn Toán

Nội dung kiến thức có trong đề thi môn Toán thuộc cả 3 chương trình Toán lớp 10,11,12 và thuộc các chủ đề sau:

  • Công thức lượng giác
  • Phương trình lượng giác
  • Tổ hợp – xác suất.
  • Cấp số cộng – cấp số nhân.
  • Khai triển nhị thức Newton.
  • Giới hạn dãy số – hàm số.
  • Đạo hàm.
  • Số phức và các yếu tố liên quan.
  • Lũy thừa – mũ và logarit.
  • Nguyên hàm – tích phân
  • Khảo sát hàm số và các bài toán liên quan.
  • Khối đa diện và thể tích của chúng
  • Gắn tọa độ vào hình học không gian.
  • Hình học giải tích trong không gian

Các bạn nên ôn tập theo từng chủ đề, trong đó hãy ôn cả lý thuyết và bài tập. Đối với phần lý thuyết, cần nắm rõ định nghĩa, tính chất cơ bản, còn với bài tập thì phải nắm được toàn bộ công thức áp dụng, dạng bài tập thường gặp và các lỗi sai hay mắc khi làm bài. Khi đã vững các bạn hãy bắt đầu giải đề luyện thi đại học môn toán của các năm trong đúng thời gian quy định.

4. Phương pháp ôn thi Đại học môn Toán hiệu quả

Hướng dẫn phương pháp ôn thi đại học môn toán
Hướng dẫn phương pháp ôn thi đại học môn toán dánh cho các bạn học sinh

4.1. Phương pháp ôn dành cho học sinh ở mức Trung bình trở lên

Tăng thời gian tự học: hãy dành nhiều thời gian cho việc tự học ở nhà sau khi đã được thầy cô hướng dẫn phương pháp,các bạn có thể làm theo hai bước.

  • Bước 1: Với kiến thức cơ bản hãy học trong sách giáo khoa hay internet.
  • Bước 2: Làm bài tập liên quan đến phần kiến thức đó từ dễ đến khó.

Môn Toán cần biến đổi nhiều, với các câu ở mức vận dụng, nhìn qua có thể chưa có ngay hướng giải quyết nhưng qua vài bước biến đổi là sẽ tìm được kết quả.

Nắm vững kiến thức nền, không chủ quan phần lý thuyết:

  • Đặc điểm của thi trắc nghiệm là thầy cô hay cài bẫy vào những câu hỏi lý thuyết. Tuy nhiên, nội dung đề thi có đến 60% dùng để xét tốt nghiệp. Vì vậy, việc nắm vững kiến thức cơ bản là các bạn đã có thể được trên 6 điểm.
  • Muốn được 8, 9 điểm thì đầu tiên bạn làm chắc chắn và vượt qua mốc 6, 7 điểm.

Rèn luyện kỹ năng tính nhanh:

  • Môn Toán thi trắc nghiệm với 50 câu trong thời gian 90 phút. Như vậy, thí sinh có khoảng 1,8 phút để đọc đề, làm bài và tô đáp án cho mỗi câu.
  • Trong quá trình ôn thi, các bạn phải thường xuyên tìm tòi các hướng làm nhanh, rèn tính nhẩm, tính nhanh. Hãy kết hợp với việc bấm giờ để kiểm tra tốc độ làm bài của mình.
  • Bên cạnh đó, các bạn cần học cách sử dụng máy tính từ bạn bè hoặc tham khảo trên mạng.

Tích cực làm đề: đối với bất kỳ môn học nào cũng vậy, luyện đề thi là điều rất cần thiết cho việc ôn thi Đại học,nó sẽ giúp bạn tìm ra điểm mạnh, điểm yếu sau đó tìm cách khắc phục, hổng kiến thức nào thì trau dồi thêm phần đó, rút ra kinh nghiệm từ những câu sai và bổ sung kiến thức từ những câu chưa biết làm.

Thời gian học tập khoa học: tránh học quá khuya, hoặc một ngày học quá nhiều. nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng thời gian thích hợp cho việc ghi nhớ là từ 4-6h sáng, vì vậy, thay vì thức khuya dậy muộn thì hãy ngủ sớm dậy sớm. Bên cạnh đó hãy kết hợp với việc nghỉ ngơi thư giãn hợp lý

4.2. Phương pháp ôn thi dành cho học sinh mất gốc (mức dưới trung bình)

Ôn tập từ những kiến thức cơ bản nhất:

  • Đối với học sinh mất gốc môn Toán việc bắt đầu từ những kiến thức cơ bản là rất quan trọng. Một phần vì trong đề thi có phần lý thuyết, một phần là nếu không học lý thuyết thì cũng sẽ không làm được bài tập.
  • Khi bắt đầu học, đừng vội tìm bài tập trong đề thi hay bất kỳ ở đâu, mà trước tiên hãy làm bài tập trong sách giáo khoa, sách bài tập một cách thật thuần thục. Chỉ cần vững kiến thức cơ bản là bạn đã có thể đạt được 7 điểm rồi. Sau đó, mới bắt đầu tìm thêm các bài toán giống với chuyên đề mình vừa ôn tập để luyện thêm.
  • Khi làm chắc những phần cơ bản rồi, mới bắt đầu nâng cao dần độ khó của bài toán để đạt mục tiêu điểm cao hơn. 

Làm từ những bài toán dễ đến khó trong đề thi:

  • Thông qua đề thi minh họa để nắm được cấu trúc, dạng bài có trong đề thi. Từ đó xác định những chuyên đề dễ có trong đề. Thông thường, các câu dễ sẽ nằm trong phần cấp số cộng – cấp số nhân, mũ – logarit, hàm số… Với những dạng bài phương trình, bất phương trình, hình Oxyz…là những bài khó hãy để ôn tập và làm sau khi đã làm chắc phần dễ.

Lên kế hoạch ôn tập: khi làm bài thi thử ở trường, hãy làm thật nghiêm túc để xem năng lực mình đến đâu, yếu kém chỗ nào, để từ đó có cách ôn tập hiệu quả hơn. Hãy xây dựng phương pháp học riêng cho mình bằng cách trả lời những câu hỏi: Nên bắt đầu từ đâu, mỗi chuyên đề cần bao nhiêu thời gian, một ngày nên học mấy tiếng, vào thời gian nào, tìm kiếm tài liệu ôn thi ở đâu… Các bạn nên lập kế hoạch học tập càng chi tiết càng tốt vì điều này mang đến chất lượng tốt cho việc ôn luyện dành cho các bạn học sinh mất gốc môn toán.

Thay đổi tư duy: Những năm trước, một bài toán cần giải theo trình tự cụ thể, chi tiết. Nhưng hiện nay với hình thức thi này chỉ cần quan tâm đến kết quả chính xác. Do đó các bạn cần phải học cách làm thế nào để có thể giải được bài toán nhanh và tiết kiệm thời gian nhất.

Tham khảo các khóa học trên mạng: Hiện nay, ngoài cách tự ôn tập, các bạn có thể tham gia vào các khóa học. Việc này sẽ giúp các bạn đã mất gốc môn Toán tìm được người hướng dẫn và hỗ trợ mình trong quá trình ôn luyện Bên cạnh đó, việc được học cùng những người cùng trình độ và mục tiêu cũng sẽ giúp bản thân tự tin và thoải mái hơn. 

Một số trang web bạn có thể ôn luyện Đại học như: hocmai.vn, tuyensinh247.com, moon.vn…

5. Tài liệu ôn thi Đại học môn Toán

Sách ôn thi môn Toán: Một số cuốn sách bạn có thể học, tham khảo, ôn luyện cho kỳ thi Đại học là: Pen Book luyện đề môn toán, Giải bộ đề trắc nghiệm kỳ thi THPT môn toán, Đột phá 8+ môn Toán..

Thông thường mỗi trường sẽ có một bộ tài liệu ôn thi riêng, và dựa trên năng lực của từng lớp giáo viên sẽ đưa ra bộ tài liệu phù hợp dành cho lớp đó. Các bạn chỉ cần làm theo tài liệu của trường, giáo viên đưa ra kết hợp với bộ đề thi Đại học có kèm đáp án của các năm là đủ chinh phục được môn Toán rồi.

Trọn bộ tài liệu môn toán ôn thi đại học:

  • Tổng hợp lý thuyết toán ôn thi đại học 2022
  • Bài tập ôn thi đại học môn toán 2022
  • Bộ đề ôn thi đại học môn toán 2022
  • Trọn bộ các công thức toán ôn thi đại học 2022

TẠI ĐÂY

Học tập, rèn luyện và ôn tập kiến thức môn Toán là cả một quá trình cố gắng, nổ lực của bản thân, không ai cố gắng thay bạn được cả. Thầy/cô chỉ là người đồng hành, dẫn dắt và hỗ trợ bạn thôi. Vì vậy hãy cố gắng, nỗ lực để đạt được mục tiêu nhé.

XEM THÊM: 

ÔN THI ĐẠI HỌC MÔN VẬT LÍ