Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Robotics, các nhà khoa học tại Đại học Cambridge và University College London (Anh) đã phát triển một loại da nhân tạo có thể giúp robot cảm nhận được những tác động vật lý như áp lực, nhiệt độ và thậm chí cả tổn thương vật lý giống như da người.
Lớp da này được làm từ hydrogel gelatin, một vật liệu mềm, dẻo và dẫn điện, có thể đúc thành nhiều hình dạng. Khi tích hợp với các điện cực đặc biệt, lớp da ghi nhận được tín hiệu từ hàng trăm nghìn đường dẫn điện bên trong, cho phép robot cảm nhận sự tiếp xúc ở mức độ tinh vi.
Để kiểm tra độ nhạy và độ bền, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hàng loạt thử nghiệm trực tiếp lên mô hình bàn tay robot, bao gồm thổi nóng bằng súng nhiệt, chọc bằng tay người và tay robot, thậm chí dùng dao mổ để rạch da. Hơn 1,7 triệu đơn vị dữ liệu đã được ghi lại từ hơn 860.000 đường dẫn trên lớp da, dùng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo có thể nhận diện từng kiểu tiếp xúc khác nhau.
Cận cảnh bàn tay robot gắn da gelatin.Ảnh: Đại học Cambridge
Không giống các loại da điện tử trước đây vốn cần nhiều loại cảm biến riêng biệt, da robot mới chỉ cần một loại cảm biến đa chức năng, giúp đơn giản hóa thiết kế, tiết kiệm chi phí và giảm tình trạng nhiễu tín hiệu. Với những ưu điểm đó, sản phẩm này được kỳ vọng sẽ sớm ứng dụng vào sản xuất robot hình người, chân tay giả có xúc giác, cũng như thiết bị phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoặc ngành ô tô thông minh.
“Chúng tôi chưa thể nói rằng da robot đã đạt đến độ nhạy như da người nhưng hiện tại, đây có thể là công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực này” – ông Thomas George Thuruthel, giảng viên về robot và trí tuệ nhân tạo tại University College London, nhận định. “Phương pháp này linh hoạt, dễ chế tạo và có thể được hiệu chỉnh bằng xúc giác thật của con người” – ông nhấn mạnh.
Phát hiện mới được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong lĩnh vực robot cảm xúc và thiết bị hỗ trợ con người, đưa công nghệ tiến gần hơn tới khả năng tương tác tự nhiên giữa người và máy.