Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science , các nhà khoa học đã làm sáng tỏ thêm về loài ếch thông thường ở châu Âu ( Rana temporaria ), cho thấy rằng ếch cái không hề “chịu trận” một cách thụ động trước sự tranh giành bạn tình của con đực.
Ngược lại, chúng thể hiện những hành vi tự vệ chủ động, đôi khi gay gắt, để thoát khỏi tình huống bị nhiều con đực bám víu cùng lúc, một tình trạng nguy hiểm thường được gọi là “quả bóng giao phối” (mating ball), có thể dẫn đến cái chết của con cái.
Tiến sĩ Carolin Dittrich, tác giả chính của nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Berlin, nhấn mạnh: “Trước đây người ta thường cho rằng con cái không có khả năng lựa chọn bạn tình hoặc tự vệ trước sự ép buộc của con đực”.
Tuy nhiên, nghiên cứu của bà đã chỉ ra rằng nhận định này có thể không còn đúng nữa. “Những con cái trong các nhóm sinh sản dày đặc này không thụ động như người ta vẫn nghĩ”, Tiến sĩ Dittrich khẳng định.
Trong thế giới hoang dã đầy khắc nghiệt, để tránh sự chú ý không mong muốn của con đực, một số loài ếch cái đã sử dụng một chiến thuật cực đoan nhưng đầy hiệu quả: giả vờ chết.
Hé lộ những chiến thuật “cao tay” của ếch cái
Để quan sát hành vi này một cách chi tiết, Dittrich và đồng tác giả, tiến sĩ Mark-Oliver Rödel, đã đặt mỗi con ếch đực vào một hộp cùng với hai con cái: một con lớn và một con nhỏ. Mọi hành vi giao phối sau đó đều được ghi lại bằng video. Kết quả từ 54 con cái từng bị con đực tóm cho thấy những chiến thuật đáng kinh ngạc:
Đầu tiên, 83% số con cái bị con đực kẹp chặt sẽ cố gắng xoay người (rotation). Đây là một động tác quay và vặn người để thoát khỏi sự kìm kẹp.
Thứ hai, 48% số con cái bị kẹp đã phát ra những tiếng kêu đặc trưng, bao gồm tiếng gừ gừ và tiếng chít chít – tất cả đều đồng thời thực hiện động tác xoay người. Đáng chú ý, những tiếng kêu này có tần suất và cấu trúc tương tự như tiếng gọi của con đực, có thể gây nhầm lẫn hoặc cảnh báo cho con đực.
Cuối cùng, hành vi “đáng kinh ngạc nhất” mà con cái thể hiện để tránh sự chú ý không mong muốn của con đực là bất động trương lực (tonic immobility), về cơ bản là giả vờ chết.
Tình trạng này xảy ra ở 33% số con cái bị con đực ôm, đặc trưng bởi cơ thể cứng đờ, tay và chân duỗi thẳng trong một tư thế giống như đã chết. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết trạng thái này thường xuất hiện đồng thời với hành động xoay người và phát ra tiếng kêu.

Phát hiện đột phá này không chỉ lật ngược quan niệm cũ về sự thụ động của ếch cái trong mùa sinh sản, mà còn hé lộ những hành vi sinh tồn kỳ lạ và khốc liệt trong thế giới lưỡng cư.
Các nhà khoa học còn nhận thấy rằng những con cái nhỏ hơn (và do đó có thể là trẻ hơn, ít kinh nghiệm sinh sản hơn) thường sử dụng cả ba chiến thuật này cùng lúc nhiều hơn những con cái lớn.
Họ giả thuyết rằng tình trạng bất động trương lực có thể là một phản ứng căng thẳng, phổ biến hơn ở những cá thể ít kinh nghiệm hơn.
Và điều bất ngờ là tình trạng bất động trương lực này không phải là hoàn toàn chưa từng được ghi nhận. Tiến sĩ Dittrich cho biết: “Tôi đã tìm thấy một cuốn sách được viết vào năm 1758 bởi Rösel von Rosenhoff mô tả hành vi này, nhưng sau đó không bao giờ được nhắc đến nữa”. Dù bất thường, ba chiến thuật này đã giúp ít nhất 25 con cái thoát khỏi sự đeo bám của con đực, minh chứng cho hiệu quả của chúng.

Trước đây, các chuyên gia cho rằng ếch cái không có khả năng lựa chọn hoặc tự vệ trước ‘sự ép buộc của con đực’.
Mục đích sâu xa và những hạn chế của nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng hành vi này có thể có nhiều mục đích. Trong khi động tác xoay tròn của con cái chắc chắn giúp chúng đánh bật con đực, đó cũng có thể là cách để kiểm tra sức mạnh và sức bền của con đực, những đặc điểm quan trọng có thể tăng cơ hội sống sót của con cái nếu con đực đó có khả năng chống lại các đối thủ khác và ngăn chặn sự hình thành “quả bóng giao phối” nguy hiểm.
Nghiên cứu cũng có những hạn chế nhất định. Quy mô mẫu cần lớn hơn để xác định liệu những con cái nhỏ hơn có thực sự thành công hơn trong việc trốn thoát hay không, và thí nghiệm chỉ đặt một con đực với mỗi cặp con cái, trong khi trong tự nhiên, nhiều con đực có thể cùng lúc tranh giành một con cái.
Tiến sĩ Dittrich lưu ý: “Trong thế giới thực, chúng ta thường quan sát thấy sự hình thành các quả bóng giao phối, nhưng con cái cũng có thể dễ dàng lặn đi hơn vì có nhiều cấu trúc và nơi ẩn náu hơn”. Dù các chiến thuật này có thể thành công trong tự nhiên, mức độ hiệu quả vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Một loài ếch thường gặp ở Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, tiến sĩ Dittrich khẳng định nghiên cứu này đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc mới mẻ về hành vi phức tạp của ếch cái. “Tôi nghĩ rằng ngay cả khi chúng ta gọi loài này là loài ếch thông thường và nghĩ rằng chúng ta biết rõ về nó, vẫn còn những khía cạnh mà chúng ta không biết và có lẽ chưa nghĩ đến”, bà kết luận.
Phát hiện này không chỉ làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về thế giới động vật mà còn cho thấy rằng ngay cả những loài tưởng chừng đơn giản nhất cũng có thể ẩn chứa những chiến lược sinh tồn tinh vi đến bất ngờ.